Nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

Tài chính - Đầu tư
08:39 AM 23/12/2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20 - 30 nghìn tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa.

"Công nghiệp văn hóa" là ngành sản xuất những sản phẩm có tính nghệ thuật, giá trị và sáng tạo như phim ảnh, âm nhạc, thiết kế nội dung số.

Các sản phẩm công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực (âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh…) ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, nhiều ca sĩ Việt đạt hàng trăm triệu lượt xem trên YouTube hay được yêu thích trên các nền tảng số khác trong và ngoài nước… 

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP

Toàn cảnh hội nghị về phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp dịch vụ văn hóa, giải trí đóng góp trên 3,9% GDP năm 2021 và tăng lên 4,04% vào 2022. Theo Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030 đưa ra mục tiêu ngành này sẽ đóng góp 7% vào GDP, tức gần gấp đôi hiện nay.

Tại Hội nghị về phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngày 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành này có triển vọng lớn, phát triển nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.

Thủ tướng cho rằng cần chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác...

Trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20 - 30 nghìn tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa", Thủ tướng nêu.

Nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa- Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu dành gói tín dụng ưu đãi 20-30 nghìn tỷ đồng cho công nghiệp văn hóa. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện, trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.


Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.