'Ngôi nhà bình yên' khẳng định vai trò tích cực giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng
Để góp phần thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), mô hình "Ngôi nhà bình yên" do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) thành lập đã giúp hàng nghìn nạn nhân có được môi trường sống tốt hơn, để họ sớm ổn định về thể chất cũng như tinh thần sau thời gian chịu đựng những hành vi bạo lực của người thân gây ra.
Nhằm từng bước mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động cùng nhiều dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) đã xây dựng mô hình "Ngôi nhà bình yên". Ngày 08/3/2007, Ngôi nhà Bình yên được ra đời.
Hoạt động của "Ngôi nhà bình yên" đặt ra mục tiêu hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị mua bán người, giúp họ phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ toàn diện hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe, kiến thức, kỹ năng và trợ giúp pháp lý theo phương pháp tiếp cận đa ngành, liên tổ chức dựa vào cộng đồng; góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy định của luật pháp chính sách trong phòng chống bạo lực giới, bảo vệ phụ nữ, bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội của Việt Nam.
Tính đến nay, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) đã đón tiếp 16.919 Đoàn đại biểu: Tổ chức 1.110.197 Hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; 1.444 phụ nữ và 605 trẻ em nhận được sự hỗ trợ của Ngôi nhà Bình yên; 10.220 người và 13.374 lượt được tham vấn trực tiếp hoặc qua đường dây nóng và qua tổng đài; tổ chức 17 Hội chợ từ thiện và hội chợ kết nối giao thương; 51 diễn đàn "Ngày thứ sáu"; 350 lượt ủng hộ Peace Shop…
Với những thành công đó, mô hình Ngôi nhà bình yên tiếp tục được nhân rộng ra một số tỉnh, thành trong cả nước và trở thành tổ chức uy tín cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu về mọi mặt của phụ nữ như: Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng, kiến thức cho phụ nữ, đặc biệt cho nhóm phụ nữ yếu thế, thiệt thòi; tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; tổ chức tư vấn luật pháp, chính sách, tham vấn quyền của phụ nữ, hôn nhân gia đình, giới...
Tuy nhiên, vấn đề BLGĐ tại Việt Nam vẫn còn là vấn đề nhức nhối, cần có thời gian và có sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng để nâng cao tính răn đe, thực thi của pháp luật nhằm hỗ trợ can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em. Chính vì vậy, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển luôn đề cao tính bình đẳng trong mọi khía cạnh của cuộc sống và pháp luật, phổ biến nhiều hơn đến với người dân; tăng cường công tác truyền thông đến nhiều địa phương đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để các chị em hiểu được mình cần làm gì và mình có quyền được bảo vệ ra sao trong môi trường bạo lực. Các chị em khi bị bạo lực hãy tự tin, mạnh dạn tìm đến các cơ sở như Ngôi nhà bình yên để được hỗ trợ.
Để Ngôi nhà bình yên thực sự là nơi tạm lánh an toàn, bí mật và miễn phí cho phụ nữ và trẻ em - nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người… trung tâm đã thu hút và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em.
Đó là chị Lê Bích Ngọc - chuyên gia tham vấn tâm lý, chị đã làm việc với hàng nghìn trường hợp bị bạo hành cần can thiệp pháp luật. Chị luôn nghĩ sự định kiến và tự ti là rào cản đã khiến các chị em phụ nữ không dám lên tiếng, đấu tranh đòi quyền lại tự do và hạnh phúc được pháp luật quy định.
Theo chị, việc người khác biết mình là nạn nhân bị BLGĐ không có gì là xấu hổ. Hành vi bạo lực phụ nữ, trẻ em dù bằng bất cứ hình thức nào cũng là tội ác, đáng bị lên án và trừng phạt. Chỉ cần chị em có nhu cầu được giúp đỡ, pháp luật, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, các tổ chức cũng như Ngôi nhà bình yên luôn sẵn sàng hỗ trợ như Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn - Công ty Luật Ngọc Tấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã hỗ trợ tư vấn miễn phí trong nhiều năm cho các thân chủ - người tạm trú của Ngôi nhà bình yên; anh đã tham gia biện hộ cho nhiều vụ BLGĐ và xâm hại trẻ em đều là những vụ án khó, có tính chất phức tạp với những người gây bạo lực, thủ phạm có hành vi đe dọa an toàn tính mạng. Bên cạnh đó, Luật sư Ngọc Tấn còn tham gia các hoạt động hội thảo, hỗ trợ nạn nhân tại Ngôi nhà bình yên.
Trò chuyện với Luật sư Tấn, anh cho biết: Qua việc trợ giúp cho các nạn nhân tôi nhận thấy một điều rằng, nếu nạn nhân bị bạo lực về gia đình mà không thể hóa giải sớm hay thay đổi được tình trạng này cũng như cuộc sống bị bất đình đẳng giới hãy đừng chịu đựng đến mức bị sang trấn tâm lý hay bị dồn nén cùng cực… để rồi có thể sẽ gây ra bất cứ chuyện gì đáng tiếc. Mà trước hết các bạn hãy dũng cảm đương đầu với nó, thoát ra khỏi nó… để cuộc sống của bạn và con bạn tốt hơn, vui vẻ hơn.
Cho nên, khi gặp sự bất bình đẳng giới này, các bạn hãy đến các cơ quan chức năng, Luật sư hoặc các trung tâm trợ giúp như Ngôi nhà bình yên để được giúp đỡ từ sớm. Có như vậy, mới có thể giải quyết vấn đề được tốt nhất và giúp mình có cuộc sống tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn.
Còn chị Lê Thị Tường Vi - quản lý của Ngôi nhà bình yên tâm sự: Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận nhiều trẻ em đến tạm lánh, có trẻ đến cùng mẹ, có trẻ chỉ có một mình. Chúng tôi đã tiếp nhận những trường hợp trẻ sơ sinh là nạn nhân của các vụ án mua bán trẻ em được công an giải cứu và không có người thân đi cùng. Chúng tôi đã bế ẵm, chăm sóc các con trong nhiều ngày, nhiều tháng. Một ngày nọ, tôi bắt gặp hình ảnh bọn trẻ đang chơi đùa với các nhân viên của Ngôi nhà bình yên, tôi cảm nhận được sự an toàn từ nụ cười của trẻ; từ ánh mắt bình yên của những người phụ nữ - nạn nhân của bạo lực gia đình đang chơi cùng bọn trẻ dù không phải là mẹ của chúng, từ những nhân viên làm việc tại đây... Điều này đã giúp tôi nhẹ nhõm hơn khi bước chân vào nơi làm việc đầy những sóng gió này mỗi ngày.
Cảm nhận của chị Tường Vi cũng là mong muốn của Thượng tá Nguyễn Văn Tráng - Cục Hình sự, Bộ Công an và anh Trương Sỹ Hậu - nhân viên an ninh: Nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại hoặc mua bán hãy lên tiếng, tìm đến Ngôi nhà bình yên để được hỗ trợ. Đây là một địa chỉ tin cậy, an toàn, tuyệt đối bí mật và được hỗ trợ một cách toàn diện.
Theo báo cáo từ UNWomen Việt Nam & CWD thì dịch bệnh COVID-19 đã khiến tình trạng bạo hành tại Việt Nam trở nên trầm trọng hơn, khi các gia đình ở nhà nhiều hơn và tỉ lệ thất nghiệp leo thang. Điều này, vô hình trung đã tạo nên áp lực cho Ngôi nhà bình yên, khi số lượng nạn nhân cần hỗ trợ gia tăng.
Suốt thời gian này, Ngôi nhà bình yên đã luôn nỗ lực đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và chăm lo sức khỏe cho các nạn nhân cư trú như được tiêm phòng, được khai báo y tế và cách phòng chống hoặc điều trị khi nhiễm bệnh. Những việc làm và sự hy sinh của các nhân viên, tình nguyện viên, chuyên gia cho Ngôi nhà bình yên thật đáng trân trọng và ghi nhận. Bởi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ai cũng có những nỗi lo riêng, nhưng chưa bao giờ họ lơ là nhiệm vụ và đã hoàn thành tốt sự hỗ trợ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các nạn nhân.
Có thể nói, mô hình "Ngôi nhà bình yên" của Hội LHPN Việt Nam là mô hình đầu tiên tại Việt Nam dành cho nạn nhân bị mua bán và tới nay đã khẳng định được vai trò tích cực trong việc giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Việc hỗ trợ tái hòa nhập trực tiếp này sẽ giúp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị mua bán người và gia đình họ ổn định, xây dựng lại cuộc sống thông qua được đào tạo các kỹ năng, trang bị các phương tiện để tạo sinh kế, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, còn hỗ trợ cải thiện khả năng kết nối xã hội, sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em trên các khía cạnh về kinh tế - xã hội như: học nghề, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ tâm lý, pháp lý...
Tiến VănTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.