Ngôi nhà hai lần được đón Bác Hồ
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An có địa chỉ tại số 6, ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, nằm ngay bên đê sông Hồng ở ngoại thành Hà Nội. Cuối tháng 8/2019, ngôi nhà được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố. Ngôi nhà này từng là nơi Bác Hồ dừng chân khi Người từ Tân Trào trở về Hà Nội để chuẩn bị cho sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An vào một ngày cuối tháng Năm, bước qua cánh cổng thấp là thấy một khoảng sân rộng được lát gạch đỏ. Ngôi nhà với kiến trúc cổ, màu gạch tường đã rêu phong theo thời gian, bể nước ở góc sân được xây dựng cùng năm 1929 với ngôi nhà vẫn gần như nguyên vẹn. Phía trước ngôi nhà khắc bốn chữ Hán: “Minh nguyệt thanh phong” (trăng thanh gió mát). Hai bên có hai dòng chữ nhỏ “Bảo Đại tứ niên - Tôn tạo Đông thành” (Nhà xây năm thứ tư thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa đông).
Ông Công Ngọc Dũng và ngôi nhà từng hai lần đón Bác Hồ.
Ngôi nhà gồm 5 gian, với 3 gian chính và 2 chái nhà vẫn được giữ gìn nguyên bản kiến trúc từ lúc mới xây. Hành lang dài thông cả 5 gian nhà những ô cửa mái vòm được đắp hoa văn. Trong căn nhà, gia chủ vẫn bày biện nguyên vẹn những đồ vật từ ngày xưa, hai chiếc phản gỗ, bộ tràng kỷ gỗ bóng lên theo thời gian. Khách tham quan tới đây sẽ được tiếp đón trên chính bộ tràng kỷ gỗ, bộ bàn ghế mà Bác đã ngồi và bàn công việc.
Cây hoa mộc do cụ nội ông Cao Ngọc Dũng trồng năm 1929, được nhiều thế hệ trong gia đình chăm sóc đến nay. Trong tâm thức của ông, cây hoa mộc chính là nhân chứng của những sự kiện lịch sử gắn với ngôi nhà.
Là cháu nội đời thứ ba của cụ Nguyễn Thị An, ông Dũng, cũng chính là chủ nhân của ngôi nhà đặc biệt này. Ông Dũng giới thiệu với chúng tôi rằng: Ngôi nhà được cụ ông Công Ngọc Lâm và cụ Nguyễn Thị An (là ông, bà nội của ông Dũng) xây dựng vào năm 1992, đầu những năm 40 của thế kỷ 20, khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, cụ Nguyễn Thị An và ông Công Ngọc Kha (bố ông Dũng) hoạt động cách mạng, phục vụ kháng chiến, nên ngôi nhà của gia đình là nơi thường xuyên lui tới họp bàn của cán bộ Việt Minh, trong đó có đồng chí Hoàng Tùng.
Cổng ngôi nhà từng hai lần đón Bác Hồ về thăm và làm việc.
Ngày 19/8/1945, Hà Nội giành chính quyền và cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước bước vào giai đoạn quyết định, nhưng tình hình lúc đó vẫn còn phức tạp. Do đó địa điểm để Bác nghỉ khi từ Tân Trào về phải thật an toàn. Lúc đó, đồng chí Hoàng Tùng đang trực tiếp tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội đã chọn ngôi nhà của cụ An để là điểm dừng chân đầu tiên khi Bác Hồ về Hà Nội. Chiều tối ngày 23/8/1945, Bác Hồ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo về đến ngôi nhà này nghỉ và làm việc tại đây 3 ngày. Ông Dũng kể lại: “Cha tôi từng kể, lúc bấy giờ trông Bác Hồ rất gầy, người vẫn hàng ngày họp bàn với các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh để đánh giá về kết quả Tổng khởi nghĩa, chuẩn bị cho ngày Quốc khánh.
Dùng bữa tối xong, Người làm việc ngay, gõ máy chữ lạch cạch đến tận đêm khuya, sáng hôm sau Bác dậy sớm đi tập thể dục ở quanh bờ ao. Chiều 25/8/1945, Bác gặp mọi người trong nhà cảm ơn và chào tạm biệt vì phải đi công tác, hẹn lần sau gặp lại. Hơn một năm sau, ngày 24/11/1946, trên cương vị Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn dành thời gian về thăm lại gia đình như đã hứa. Bác đã ở lại làm việc, trò chuyện với mọi người gần hết một ngày”.
Từ đó, nhiều thế hệ trong gia đình ông Công Ngọc Dũng thay nhau gìn giữ ngôi nhà đến bây giờ. Chiếc sập Bác Hồ nằm, bộ bàn ghế, chiếc chậu đồng Bác sử dụng, máy đánh chữ của Bác…, tất cả đồ đạc trong nhà đều được giữ nguyên, ở gian giữa ngôi nhà là một bàn thờ có ảnh Bác Hồ, lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và câu khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Phần đất bên cạnh, được gia đình ông Dũng xây dựng một ngôi nhà mới để tiện trông nom, chăm sóc và đón tiếp, hướng dẫn khách thăm quan. Ngoài ra ông còn đi khắp nơi sưu tầm tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh để trưng bày. “Giữ lại ngôi nhà hai lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh là di nguyện của bà nội và bố tôi. Đây là ngôi nhà lịch sử”, ông Dũng nói.
Năm 1996, gia đình ông Dũng hiến tặng căn nhà để địa phương làm nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, vợ chồng ông tình nguyện làm hướng dẫn viên cho người dân, du khách xa gần đến thăm. Mỗi khi có khách đến, dù bận làm gì, ông cũng về đón tiếp. Từ nhỏ, ông đã được bà nội và bố kể lại về căn nhà và Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ông Dũng muốn chia sẻ những câu chuyện đó tới mọi người.
Ông Bùi Tuấn Dương, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, cho biết: “Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An là một cơ sở cách mạng trong kháng chiến, nơi Bác Hồ đã đến thăm và ở lại hai lần. Đây là niềm tự hào của địa phương. Thời gian qua, nhiều du khách thập phương và một số trường học đã đưa học sinh tới đây tham quan, học tập. Qua đó góp phần giáo dục, bồi đắp tinh thần cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ tương lai”.
Đây là một địa chỉ rất giá trị để mọi người, nhất là những thế hệ trẻ tham quan và học hỏi, trau dồi, giáo dục kiến thức lịch sử văn hóa dân tộc.
Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão.