Ngọt như cổ phiếu mía đường, thị giá tăng hàng chục phần trăm chỉ trong 1 tháng
Mức tăng ấn tượng nhất phải kể đến cổ phiếu KTS với mức tăng 59% so với cuối tháng 7, từ mức 14.100 đồng/cp lên 22.400 đồng/cổ phiếu. Hay thị giá LSS cũng đã tăng trưởng tới 51% chỉ trong vòng 1 tháng giao dịch, từ vùng 9.620 đồng/cổ phiếu lên mức 14.500 đồng/cổ phiếu.
Thị trường đi ngang trong tháng 8 khi ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 1,6% so với thời điểm cuối tháng 7. Trong khi đó, dòng tiền hướng sự chú ý vào một số mã ngành với những câu chuyện riêng, trong đó có cổ phiếu ngành mía đường. Những luồng thông tin tích cực đã góp phần giúp nhóm cổ phiếu ngành mía đường bùng nổ cả về thị giá lẫn thanh khoản trong thời gian gần đây và là một trong số ít các ngành thu hút được dòng tiền, cổ đông theo đó được hưởng "vị ngọt của đường".
Giá cổ phiếu doanh nghiệp mía đường giao dịch trên sàn chứng khoán đã tăng mạnh trong thời gian trở lại đây, có thể kể tới như Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), Mía đường Lam Sơn (LSS), Đường Quảng Ngãi (QNS), Mía đường Sơn La (SLS), Đường Kon Tum (KTS). Mức tăng ấn tượng nhất phải kể đến cổ phiếu KTS với mức tăng 59% so với cuối tháng 7, từ mức 14.100 đồng/cp lên 22.400 đồng/cổ phiếu. Hay thị giá LSS cũng đã tăng trưởng tới 51% chỉ trong vòng 1 tháng giao dịch, từ vùng 9.620 đồng/cổ phiếu lên mức 14.500 đồng/cổ phiếu.
Luồng thông tin tích cực từ giá đường tăng và áp dụng thuế chống bán phá giá lên các đối thủ
Thực tế, mía đường là ngành mang tính chu kỳ mạnh và kết quả kinh doanh của ngành này lên xuống theo giá đường trên thị trường. Những thông tin bất lợi từ quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới Brazil cùng với các diễn biến trên thị trường hàng hóa đã khiến giá đường duy trì đà tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá đường thế giới đã tăng lên mức cao nhất 4 năm kể từ năm 2017. Số liệu cập nhật ngày 3/9, giá đường thô đang giao dịch ở mức 19,58 US cent/lb trên sàn ICE, tăng hơn 60% trong vòng 1 năm trở lại đây.
Theo đà tăng của thế giới, trong nước, giá đường kính trắng, đường tinh luyện và đường vàng đã tăng từ mức 16.300 đồng/kg trong tháng 6 tăng lên 17.400 – 18.200 đồng/kg trong tháng 7/2021 (mức tăng 6,7% trong một tháng). Tính từ đầu năm, giá bán đường tại các nhà máy đã tăng 30%, từ mức 13.000 – 14.000 đồng/kg lên 17.000 – 18.000 đồng/kg.
So với các nước ASEAN và Trung Quốc, có thể thấy giá đường của Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức thấp hơn khoảng 20%. Điều này đồng nghĩa với việc không gian cho đà tăng của giá đường nội địa vẫn còn để tiệm cận mức trung bình của khu vực trong thời gian tới, đặc biệt khi diễn biến giá đường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngoài yếu tố giá thị trường, tin vui cho ngành đường là việc Bộ Công thương chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65% với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan và thuế chống trợ cấp (CTC) lẩn tránh qua một số các quốc gia ASEAN khác, bao gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Mianma.
Hàng rào thuế quan đối với đối thủ chính của Việt Nam sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy cho giá đường nội địa Việt Nam, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dựa trên trợ giá của đường Thái Lan như trước đây. Trên thực tế, giá mía trong nước đã phản ánh tích cực hơn khi gia tăng 100-200 nghìn đồng/tấn trong những tháng gần đây.
Kết quả kinh doanh khởi sắc
Giá cổ phiếu tăng mạnh cũng một phần được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh niên độ 2020 – 2021 (bắt đầu từ 1/7 năm trước đến 30/6 – trùng với vụ mía) của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố với nhiều điểm sáng.
Tiêu thụ thành công 1,16 triệu tấn đường, tăng 10% so với niên độ trước, Thành Thành Công Biên Hoà (SBT) đã tăng doanh thu gần 16% lên 14.901 tỷ đồng. Hoạt động kiểm soát chi phí đầu vào được thực hiện tốt giúp cải thiện biên lãi gộp, qua đó SBT thu về 675 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 86% và đây mức lợi nhuận kỷ lục của công ty đầu ngành mía đường này.
Một đơn vị lớn trong ngành khác là Đường Quảng Ngãi (QNS) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với lãi ròng 522 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động của Đường Quảng Ngãi có sự khác biệt khi bao gồm 2 mảng kinh doanh chính là mía đường và sữa đậu nành với các thương hiệu Fami, Vinasoy chiếm hơn 80% thị phần cả nước, ngoài ra là các mảng điện sinh khối, nước giải khát, bia, rượu và bánh kẹo.
Giá cổ phiếu QNS đã tăng từ vùng 43.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh lịch sử 52.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 1/9.
Một điểm đáng chú ý khác kích thích tới đà tăng mạnh của QNS chính là những đồn đoán liên quan đến hoạt động M&A. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2021, khi một chuyên gia M&A của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) là ông Nguyễn Văn Đông đã tham gia vào HĐQT của QNS. Chứng khoán Rồng Việt cũng nắm giữ 3 triệu cổ phiếu QNS.
Ngoài VDSC, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đang sở hữu khoảng 15 triệu cổ phiếu QNS (4%). Khả năng cao Đường Quảng Ngãi đang nằm trong tầm ngắm M&A của các "đại gia" trong ngành hàng tiêu dùng.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành đường 6 tháng cuối năm 2021, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, giá đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng 30% trong năm 2021 và mức tăng dự kiến vẫn ở mức cao trong nửa sau của năm nay. Đồng thời, việc áp thuế chính thức đã mở ra kỳ vọng cho bức tranh tươi sáng đối với ngành mía đường Việt Nam trong dài hạn.
Phương LinhTổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.