Ngư dân Bùi Tấn Lượng tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương
Trên dọc dài một dãy biên cương của đất nước Việt Nam này, có rất nhiều người dân sinh sống, mỗi người có một cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước theo cách khác nhau; người thì hiến tặng cả mảnh đất lớn để xây trường học cho trẻ em vùng cao... Tại Kiên Giang, có một ngư dân có cách thể hiện tình cảm với quê hương, biển, đảo theo cách riêng của mình.
Đó chính là anh Bùi Tấn Lượng sinh năm 1970, quê huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Anh ra đảo ngọc Phú Quốc làm ngư phủ thuê cho các tàu cá cách đây hơn 20 năm. Do bản tính cần cù, hiền lành, giỏi đi biển, anh đã được mọi người yêu mến. Rồi kể từ đó, anh gắn chặt với nghề biển, lấy vợ, sinh con, lập nghiệp trên đảo và xem Phú Quốc là quê hương thứ 2 của mình. Từ khi ổn định cuộc sống, anh Lượng đã góp công, góp sức, tiền của, phương tiện để cùng với BĐBP, chính quyền, đoàn thể địa phương tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Thượng tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông, BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết, còn nhớ thời điểm TP Phú Quốc bùng phát dịch bệnh COVID-19, chính anh Lượng đã chủ động tình nguyện tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch. Lúc ấy anh được xem như chiến sĩ Biên phòng làm nhiệm vụ kép trên vùng biển. Anh tự nguyện giúp các lực lượng kiểm soát trên biển, gửi tài liệu cũng như nhắc ngư phủ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, anh Lượng còn bỏ tiền nhà đi mua, tặng khẩu trang, nước sát khuẩn, nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con ngư dân... Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu trên biển cho cơ quan chức năng chủ động xử lý.
Không dừng lại ở đó, trong những năm gần đây, do ngư trường trong nước bị cạn kiệt, tình trạng ngư dân ta vi phạm vùng biển các nước khai thác trộm hải sản tăng, đã dẫn đến việc Ủy ban Châu âu cảnh báo thẻ vàng. Không thể đứng nhìn cảnh bà con ta vì hám lợi mà vi phạm pháp luật, một lần nữa anh lại đứng ra chung tay, góp tiếng nói để cùng với lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Anh Lượng đã ủng hộ hàng chục triệu đồng để lực lượng Biên phòng in ấn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp… tuyên truyền chống khai thác IUU. Phần anh thì tự đi mua ảnh Bác, cờ Tổ quốc để tặng bà con ngư dân, nhằm động viên mọi người trước lúc vươn khơi bám biển, đánh bắt đúng quy định.
Anh Bùi Tấn Lượng chia sẻ, việc tôi làm cũng bình thường thôi, nhà có ghe đi biển, thuận tiện cho việc gặp gỡ bà con để tuyên truyền pháp luật, nên Biên phòng nhờ hỗ trợ thì tôi sẵn sàng làm. Còn việc bỏ chút ít tiền mua cờ, ảnh Bác, hỗ trợ cơ quan chức năng in ấn tài liệu, tờ rơi… là việc cần làm. Vì theo tôi, mỗi khi bà con vươn khơi cần phải có kiến thức pháp luật, nhất là kiến thức về chủ quyền, Luật biển Việt Nam, không đánh bắt vi phạm vùng biển các nước. Tàu Việt Nam phải có treo cờ nước mình và trong cabin phải có ảnh Bác Hồ…
Đúng như những gì anh chia sẻ, trong suốt những năm qua, anh tham gia vào các hoạt động xã hội, vì chủ quyền biển đảo, vì sự phát triển bền vững của nghề biển Việt Nam nhưng anh không đòi hỏi chính sách đãi ngộ nào. Trong rất nhiều các phần thưởng do lãnh đạo các cấp trao tặng, nhằm ghi nhận những đóng góp của anh, nhưng ngư dân Bùi Tấn Lượng vẫn thích nhất Kỷ niệm chương "Vì chủ quyền an ninh biên giới", do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao tặng.
Anh Bùi Tấn Lượng cho rằng, những gì mình đang làm là bình thường, không có gì đáng nói, anh không làm thì người khác cũng sẽ làm. Những gì đọng lại trong lòng người ngư dân trên vùng biển Tây Nam này là những kỷ niệm đẹp với những tháng năm bám biển, chung tay cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.
Văn Dương - Tiến VinhBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.