Người anh hùng trên sóng biển Triều Tiên

Tư liệu
11:07 AM 31/05/2021

Những câu chuyện trong chuyên mục này được chúng tôi sưu tầm chủ yếu lấy trong sử sách, dã sử, hay ghi lại khi đi thực địa về nhiều nhân vật nổi tiếng của phương Đông, một số của phương Tây... Xin bắt đầu bằng một số câu chuyện của phương Đông.

Tàu rùa xé sóng bắn kẻ thù

Sóng biển xứ Hàn dâng cuồn cuộn

Ca vang tên Yi Sun Shin

Đó là vào thời kỳ cả lãnh thổ Triều Tiên được thống nhất, quốc hiệu là Triều Tiên, dưới triều đại Choson vua Tuyên Tổ Sonjo. Năm 1576, một người đàn ông trung niên ở tuổi 31 là Yi Sun Shin (Lý Thuấn Thần) điều đến đơn vị hải quân ở vùng biển Chwasuyong (nay thuộc Yosu của Hàn Quốc) giữ một vị trí lãnh đạo. Yi Sun Shin là người tầm thước, khoẻ mạnh, tính tình khẳng khái, hay nói thẳng, tóc và râu rậm, yết hầu bị râu mọc kín, nên đời lận đận mặc dù có tài, nhiệt huyết và tâm địa trong sáng.

Người anh hùng trên sóng biển Hàn Quốc - Ảnh 1.

Tượng đài Yi Sun Shin. Nguồn: Internet

Sau một thời gian ngắn, Yi Sun Shin không chỉ chứng tỏ cho mọi người ở căn cứ hải quân đó kính phục kiến thức rộng lớn, sâu sắc, tài trí sáng tạo mà bằng sự gan dạ, dũng cảm, năng lực chỉ huy tác chiến của mình, ông đã chinh phục được lòng tin của quân đội, tín nhiệm của đại tướng chỉ huy căn cứ. Đến năm 1591, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hải quân Cánh tả tỉnh Cholla (Toàn La tả thuỷ sứ), đóng tại Chwasuyong (nay là Yosu thuộc Hàn Quốc). Một năm sau khi nhậm chức, ông đã thấy rằng cần phải kiện toàn môt cách cơ bản lực lượng hải quân.

Khi ông được bổ nhiệm làm tướng, là lúc tin tức biên thuỳ cho biết quân Nhật đang có ý đồ xâm lược toàn bộ xứ Triều Tiên để thông đường đánh sang Trung Quốc. Vì vậy, Yi sun Shin tích cực chỉ huy quân đội của mình, tăng cường luyện tập thuỷ chiến, rèn đúc vũ khí. Ông tự thiết kế những tàu chiến hình con rùa, gọi là tàu rùa (tiếng Hàn là tàu Kobukson) có tốc độ và hoả lực rất mạnh với vỏ tầu được bọc sắt. 

Có thể coi đây là loại tàu bọc sắt vào loại sớm nhất thế giới, ngoài vỏ tàu còn được đóng phủ nhiều chông sắt nhọn. Mũi tàu và mũi các súng thần công trên tàu được lắp những cái đầu rồng để nguỵ trang. Đầu súng thần công được nhồi thuốc pha theo đặc biệt để khi bắn có thể phun ra những màn khói sunfua làm kẻ thù khó định vị chính xác vị trí của tàu rùa. Trên thành tàu còn có rất nhiều lỗ châu mai rất tiện cho pháo thủ núp bắn bằng hỏa pháo hay cung nỏ, nhưng kẻ địch lại khó bắn trúng họ và khi cận chiến, đối phương nếu nhảy lên tàu sẽ khó khăn thâm nhập boong tàu, lại rất dễ bị đánh bật xuống biển. 

Tàu rùa được sản xuất dựa theo thiết kế của Bản ốc thuyền (Loại thuyền chiến nổi tiếng của xứ Triều Tiên thời đó) với việc bỏ đi vị trí chỉ huy trên cao, thay đổi mép thuyền thành tàu cong, và thêm vào mái có phủ gai sắt (và các đĩa sắt sáu cạnh). Thành tàu bao gồm 36 chỗ thiết kế để giấu đại bác, và các lỗ mở ở trên đại bác, qua đó thủy thủ đoàn có thể nhìn ra ngoài và bắn hỏa khí cá nhân của mình. 

Người anh hùng trên sóng biển Triều Tiên - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thiết kế này cản được quân địch lên boong tàu cũng như nhắm bắn vào người bên trong. Loại tàu này cũng được coi là tàu chiến hạng trung và thuyền chiến chạy nhanh nhất ở chiến trường Đông Á, vì nó có 2 buồm và 80 tay chèo thay thế nhau điểu khiển 16 mái chèo. Vai trò quan trọng của chúng là thọc sâu vào hàng ngũ quân thù, tạo ra sự tàn phá bằng đại bác của mình, và tiêu diệt kỳ hạm địch.

Tháng 4 âm lịch năm 1592, nước Nhật thời Lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi lãnh đạo, từ lâu đã chuẩn bị xâm chiếm Triều tiên, nên cử hàng loạt tướng giỏi như Konishi Yukinaga, Katō Kiyomasa, Shimazu Yoshihiro, Mōri Terumoto...chia làm 9 cánh quân nhanh chóng đánh thắng các cánh quân Triều Tiên quốc, tiến vào kinh đô Seoul làm cho triều đình phải bỏ chạy. 

Trong khi đó trên mặt biển hạm đội Nhật đụng độ rất ác liệt với hạm đội tàu rùa của Yi Sun Shin (lúc đó đã là người giữ chức quan Thủy quân Tả đạo (tương đương với chức Đô đốc) của đạo Toàn La (bao phủ cả vùng biển phía Tây Triều Tiên). Nhiều trận đọ súng diễn ra, cuối cùng hạm đội Nhật bị đáng tan tác, tạo nên cục diện có lợi cho liên quân Triều Tiên- Trung Quốc từng bước giành lại địa bàn của quân Nhật. 

Sau chiến thắng, hè 1592, triều đình buộc phải phong ông làm đô đốc để chống giặc nhưng vẫn không mặn mà, chưa công nhận tài năng của ông. Mặc dù vậy, đô đốc Yi lấy Tổ quốc làm trọng, không lấy thế làm bất mãn, ông còn động viên vợ và toàn gia tộc cho con trưởng ông và cháu nội vào phục vụ trong hạm đội để đánh giặc. Tinh thần dũng cảm hết mình của ông được các tướng chỉ huy quân đội nhà Minh của Trung Hoa sang giúp quân Hàn là Zhao Chengxun (Tống Ứng Xương) và Li Rusong (Lý Như Tùng), Trần Lân đến phối hợp rất khâm phục, kính trọng.

Dù ông đã có công xây dựng hạm đội tàu rùa, bố trí phòng thủ mặt biển chắc chắn, nhưng vẫn có nhiều kẻ ghen ghét ông, sàm tấu với vua rằng ông không chịu chủ động mang tàu ra chặn địch mà thiên về cố thủ. Chúng còn nói xấu ông là lạm công quỹ khi đóng tàu thuyền, tính rất kiêu ngạo khiến cho lúc đầu vua tin là thật cách chức đô đốc hải quân của ông, mà dùng Nguyên Quân lại kẻ hẹp hòi, bất tài, nát rượu... nên gây ra thảm bại cho hải quân Triều Tiên. Triều đình cực chẳng đã lại phải mời đô đốc Yi ra chỉ huy chống giặc.

Lần xâm lược thứ 2 vào 1598, Nhật chia làm 2 cánh quan Tả đạo có hơn 49.000 quân, Hữu đạo có 30.000 quân tiến công. Tại trận hải chiến cuối cùng- trận xảy ra tại mũi Noryang (16/1/1598) ông đã để lại một huyền thoại sống mãi. Trận này liên quân Triều- Trung Hoa đánh chìm khoảng hơn 200 tàu trong tổng số 500 tàu của Nhật khiến cho Nhật phải rút hẳn quân về nước. Trong trận đó, đô đốc Yi chỉ huy liên quân đã bị trúng đạn của tàu Nhật, trước khi mất, ông cho gọi cháu ruột và cận tướng đến thuyền mình ra lệnh không được hốt hoảng, giữ kín tin tức, cứ phất cờ, nổi trống tấn công nên đã giữ vững thế cuộc, đánh thắng quân thù.

Yi Sun-sin sinh ở Seoul ngày 28/4/1545. Thuở nhỏ ông được cha cho học các môn võ nghệ và đến tuổi trưởng thành ông bắt đầu tìm hiểu nghệ thuật quân sự, đánh trận và sớm bộ lộ thiên hướng trong thủy chiến. Năm 28 tuổi, ông tham dự cuộc thi tuyển chọn quan võ do triều đình tổ chức, nhưng đã bị hỏng môn phi ngựa kết hợp bắn cung. 

Bốn năm sau ông dự thi lại và đỗ, được bổ nhiệm làm một chức quan nhỏ ở vùng sông Tumen ở miền bắc Korea, sau đó trải qua nhiều chức vụ khác. Ông được bổ nhiệm đô đốc lúc đã 46 tuổi. Năm 1597 lúc 52 tuổi ông bị cắt chức do bị dèm pha, cùng năm lại được phục chức và không tự ái lại tiếp tục cống hiến đến năm 53 tuổi thì hy sinh anh dũng. Người giỏi xem tướng mạo cho rằng ông vận hạn tuy khó hanh thông (do hình tướng tóc râu rậm khóa yết hầu, da thô, tai nhỏ mỏng) nhưng lại có danh lâu bền nhờ mắt sáng, giọng trầm ấm, vang vọng, truyền cảm.

Dù có bất đồng trong triều khi đánh giá công lao ông, do phái ủng hộ đô đốc  Won Gyun  (Nguyên Quân) vẫn tị hiềm với tài thủy chiến của vị tổ sư "Tàu rùa" Lý Thuấn Thần, nhưng cuối cùng triều đình phải quyết định ban cho ông các danh hiệu để tưởng thưởng, truy phong ông làm Tuyên vũ đệ nhất công thần. Ông còn được Minh Thần Tông ban danh hiệu Trứ danh Thủy quân Đô đốc. 

Đến đời vua Nhân tổ Injo (1623-1649), năm 1643 đã chính thức ban tặng thêm cho ông những danh hiệu cao quý và khôi phục hoàn toàn tên tuổi ông, trọng dụng con cháu, tặng danh hiệu cao nhất là "Chungmugong" (tức là nguyên soái dũng cảm, trung thành). 

Ngày nay, Lý Thuấn Thần vẫn được nhân dân toàn bán đảo Triều Tiên tôn thờ. Bức tượng đài tướng quân Lý Thuấn Thần được đặt ngay giữa quảng trường Quang Hóa Môn (Gwanghwamun) ở trung tâm thủ đô Seoul đã khiến ông trở thành người anh hùng dân tộc bất tử đối với mọi người dân ở cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.

PGS. TS Lê Thanh Bình, nguyên là Tham tán Công sứ, người thứ 2 của ĐSQ Việt Nam tại Na Uy, nguyên Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại của Học viện Ngoại giao.

PGS.TS Lê Thanh Bình sinh năm 1955 tại Hà Tĩnh. Quê gốc của ông ở Quảng Trị, trong một dòng họ quân nhân - trí thức giàu truyền thống, có nhiều đời làm tướng, đại thần, đỗ đạt cao... Ông từng đi bộ đội, thuộc đơn vị C26, E293, F373, Quân chủng Phòng không - Không quân, sau đó học tại trường đại học quốc gia Lômônôxốp, Liên Xô, chuyên ngành báo chí truyền thông.

PGS.TS Lê Thanh Bình
Ý kiến của bạn