Người cao tuổi khởi nghiệp: Cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cụ thể
Không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp. Nhưng đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để đảm bảo cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập…
Sáng ngày 3/11, Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi do Cục bảo trợ xã hội cùng Tạp chí lao động và xã hội tổ chức tại Hà Nội đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Trong đó, nhiều vấn đề hữu ích được thảo luận liên quan đến người cao tuổi khởi nghiệp như: chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi khởi nghiệp, giải pháp huy động nguồn lực lao động cao tuổi...
Cần chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi khởi nghiệp
Khởi nghiệp cho người cao tuổi được coi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe trong xu hướng già hóa dân số hiện nay. Vị thế người cao tuổi trong gia đình và xã hội có phần giảm sút do khả năng đảm bảo về thu nhập và khả năng sống độc lập bị suy giảm; tính lệ thuộc vào con cháu gia tăng (60-70% đặc biệt là nhóm từ 75 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập hoặc có nhưng rất thấp).
Thực trạng về hoạt động sinh kế của người cao tuổi theo nghiên cứu từ tháng 6-tháng8 năm 2020 tại 03 địa phương: Tp HCM, Nghệ An, Hải Dương cho thấy: 40 – 45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Và chỉ có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, trang trại trồng trọt, chăn nuôi.
Tại diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi do Cục bảo trợ xã hội cùng Tạp chí lao động và xã hội tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 3/11- sự kiện đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng, TS. Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cho biết: Không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp. Nhưng đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để đảm bảo cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập…
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cụ thể cho họ và cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể và cần có sự ưu tiên, đặc biệt ở vùng khó khăn chính sách sinh kế cần cụ thể, bao gồm: vốn vay lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. Ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…
Người cao tuổi cũng có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cần có các chính sách miễn giảm phí tham gia khoá học, miễm giảm phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
TS Nguyễn Hải Hữu cũng nhận định, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu. Nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ kinh tế cho người cao tuổi phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế của người cao tuổi.
Người cao tuổi là nguồn lực quý báu của quốc gia
TS Nguyễn Lê Minh - Nguyên phó trưởng ban chương trình Quốc gia về việc làm thuộc BLĐ – TBXH trao đổi trong diễn đàn về tinh thần người cao tuổi và quốc gia khởi nghiệp: Lâu nay khi nói đến khởi nghiệp nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Đối với nhiều quốc gia lĩnh vực này đều được rất quan tâm, bởi họ coi nhóm người cao tuổi là nguồn lực quý báu của quốc gia.
Người cao tuổi có lợi thế khi làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ này rất đặc biệt được bồi đắp qua nhiều năm tích luỹ mà người trẻ không thể có được. Chính những điều này góp phần cho sự thành công, phát triển cùng tinh thần khởi nghiệp của người cao tuổi.
Ở Mỹ chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, trợ giúp kỹ thuật, mềm hoá các thủ tục hành chính, thậm chí Nhà nước còn trực tiếp tham gia vào việc đầu tư cho doanh nghiệp. Hay như ở Israel, chính phủ đẩy mạnh văn hoá khởi nghiệp trong toàn dân, Nhà nước trực tiếp đứng ra thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm để rót vốn cho các dự định và kế hoạch khởi nghiệp. Hiện nay Quỹ quốc gia về việc làm đến năm 2019 còn 20 nghìn tỷ đồng. Như vậy đối tượng được vay vốn cần được nới rộng rãi, mức vay nâng lên 2 tỷ đồng/dự án và nhiều điều kiện ưu đãi.
Nước ta hiện nay đang chuẩn bị cho chương trình người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Nhà nước trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như Hội người cao tuổi, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI, Hội nông dân… giúp người cao tuổi khởi nghiệp. Thậm chí, khi người cao tuổi đã khởi nghiệp thành công, Nhà nước và các tổ chức đã nêu sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và trợ giúp những vấn đề liên quan đến luật doanh nghiệp, luật kinh doanh, luật lao động, tiêu thụ sản phẩm...
Giải pháp huy động nguồn lực lao động cao tuổi ở Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa - Trường ĐH KHXH &NV chia sẻ một vài gợi ý huy động nguồn lực lao động cao tuổi ở Việt Nam: Để người cao tuổi tìm được việc làm không đơn giản, bởi hiện nay chưa có kênh thông tin tuyển dụng nào dành cho nhóm lao động này. Trên các website tuyển dụng hiện nay giới hạn tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 đến 35 tuổi. Người lao động trên 45 tuổi có rất ít lựa chọn, nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không tìm được việc làm. Nhóm người cao tuổi rất thiếu thông tin về thị trường lao động.
TS Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết, để giải quyết vấn đề đó hiện nay Cục việc làm đang cùng các trung tâm việc làm ở địa phương tổ chức thu thập thông tin, tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho người cao tuổi. Thực tế trên thị trường lao động cho thấy, hiện có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Thêm vào đó, khi có tới 7-8 triệu người cao tuổi tham gia thị trường lao động sẽ tạo ra kích cầu tốt hơn; khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là người cao tuổi rất cần thiết.
Những nội dung được trình bày tại diễn đàn đã phần nào giúp nhóm người cao tuổi và cả doanh nghiệp có thể giải quyết những vấn đề trước mắt về định hướng việc làm, sử dụng lao động hiệu quả. Sự kiện được đánh giá cao và nhận sự quan tâm, đóng góp tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp và cá nhân phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 4/2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Trong đó có trên 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm khoảng 16,5% tổng dân số người cao tuổi), đặc biệt tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn tỷ lệ nghèo chung của cả nước (8,09%), tỷ lệ người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế khoảng 40 – 45%.
Việt Nam hiện đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo không tới 20 năm nữa tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số; thậm chí đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số, một tốc độ thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo đảm hạ tầng an sinh xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, và hiện còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo...
Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.