Người dân chuộng chuyển khoản nhanh, giảm rút tiền qua ATM
Thay vì rút tiền mặt, người dân ngày càng chuộng chuyển khoản nhanh khi giá trị giao dịch qua kênh này chiếm 95% tổng giá trị thực hiện qua Napas.
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 trên ứng dụng internet banking, mobile banking của các ngân hàng là dịch vụ được khách hàng tin dùng trong các giao dịch chuyển tiền, thanh toán với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 3 lần từ 2018 đến 2020.
Số liệu nêu trên cho thấy thị trường thanh toán có sự dịch chuyển rõ nét thông qua sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm dịch vụ của NAPAS. Theo đó, các sản phẩm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ mới trên nền tảng internet banking, mobile banking, thanh toán trực tuyến dần chiếm tỷ trọng lớn, thay thế dịch vụ chuyển mạch các giao dịch rút tiền trên ATM như khi mới sáp nhập.
Kết quả này cũng khẳng định sự nỗ lực chung của các ngân hàng và NAPAS cùng nhau xây dựng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Ngân hàng thành viên lần thứ 6, ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS cho biết năm 2020, thị trường tài chính ngân hàng nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng chịu nhiều thách thức, tác động lớn do ảnh hưởng từ diễn biến bất thường của thiên tai và đại dịch Covid-19, tuy nhiên NAPAS nhìn nhận đây cũng là cơ hội để các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.
Ngoài ra, NAPAS đã tiếp tục triển khai hàng loạt các chương trình miễn giảm phí chuyển mạch và bù trừ, với tổng số tiền tiền miễn giảm phí tương đương gần 800 tỷ đồng.
Bên cạnh giao dịch chuyển khoản nhanh liên ngân hàng, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày một phổ biến hơn. Trong 7 tháng đầu năm 2020, cả số lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ tăng mạnh tương ứng gần 30% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giao dịch thanh toán qua Internet tăng 39% và qua điện thoại di động tăng tới 186% so với cùng kỳ.
Năm 2015, hệ thống NAPAS xử lý giao dịch chuyển mạch ATM là chủ yếu (chiếm đến 89,7%), trong khi tỷ trọng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 chỉ chiếm 1,1% tổng số lượng giao dịch.
Nhưng đến năm 2020, hệ thống NAPAS đã ghi nhận số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã vượt qua số lượng giao dịch rút tiền ATM và chiếm gần 66,6% tổng số lượng giao dịch trong khi các giao dịch chuyển mạch ATM chỉ còn chiếm 26,6%.
Tổng giá trị giao dịch chuyển mạch ATM (rút tiền mặt) chiếm 84,4% tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS vào năm 2015; tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh và chỉ chiếm 5,4% vào năm 2020.
Trong khi đó, tỷ trọng về giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 qua hệ thống NAPAS đã tăng 11 lần, từ 6,3% vào năm 2015 lên 93,5% vào năm 2020.
Như vậy, xu hướng chuyển dịch thói quen của khách hàng từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hằng ngày bằng tiền mặt sang sử dụng chính thẻ ATM để quẹt thanh toán tại các điểm bán hàng có thay đổi rõ rệt.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.