Người dân sắp được cung cấp nhiều tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia

Sự kiện
11:16 AM 21/01/2022

Đầu năm 2022, Bộ Công an sẽ hoàn thành việc đưa lên mức độ 3, mức độ 4 đối với 14/25 thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân và nhiều tiện ích khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân sẽ không cần mang nhiều giấy tờ khi thực hiện 1 số giao dịch.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, Bộ Công an sẽ hoàn thành ngay việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu đã có như: Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (hoàn thành ngày 22/1/2022); với Cơ sở dữ liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (hoàn thành ngày 25./1/2022); với Cơ sở dữ liệu về thuế của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính (hoàn thành ngày 29/1/2022); với Cơ sở dữ liệu trẻ em của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (hoàn thành ngày 15/2/2022); với Cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoàn thành ngày 20/2/2022).

Người dân sắp được cung cấp nhiều tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia - Ảnh 1.

Nhiều tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được ứng dụng ngay trong quý I/2022. Ảnh: TTXVN, C06

Trong tháng 1/2022, hoàn thành tổ chức tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu thuế phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế.

Trong tháng 2/2022 hoàn thành hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong tháng 3/2022, hoàn thành việc đưa lên mức độ 3, mức độ 4 đối với 14/25 thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân, gồm: Xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ căn cước công dân; Cấp lại, cấp đổi thẻ căn cước công dân); Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú; Đăng ký, cấp biển số mô-tô, xe gắn máy;

Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); Đăng ký khai sinh; Đăng ký khai tử; Đăng ký kết hôn; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; Làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; Làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.

Theo lộ trình của Đề án, đến tháng 5/2022, sẽ tiếp tục hoàn thành việc đưa lên mức độ 3, mức độ 4 đối với 11/25 thủ tục hành chính thiết yếu gồm: Liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dưới 16 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí; Tích hợp giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình…

Trong những mục tiêu đặt ra, Bộ Công an kỳ vọng căn cước công dân gắn chip sẽ từng bước thay thế, tích hợp các giấy tờ cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục đích để công dân không cần mang nhiều loại giấy tờ khi đi giao dịch.

Theo đại diện Cục C06, trong quá trình liên thông dữ liệu, Bộ Công an cam kết bảo đảm duy trì dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Đồng thời, Bộ sẽ chuẩn bị đủ các điều kiện kỹ thuật khi kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng cao nhất những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện, CCCD gắn chip được sử dụng khi khai báo di chuyển nội địa, khai báo y tế, thông tin tiêm chủng, xét nghiệm tại các điểm công cộng với nhiều hình thức khác nhau như: Quét mã tờ khai, checkpoint… Bộ Công an đánh giá đây là tiện ích hiệu quả, chính xác, tiết kiệm.

Tính đến ngày 18/1, Bộ Công an đã in và trả về cho công an các địa phương gần 60 triệu thẻ gắn chip. Như vậy, toàn bộ CCCD gắn chip được thu nhận và có hồ sơ đủ điều kiện cấp trong năm 2021 đã được trả.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn