Người dân thực sự nghĩ gì về Quỹ vaccine, mục tiêu kép, phát huy dân chủ... trong việc chống dịch?
"Điều tra xã hội học cho thấy, 97% tin tưởng Đảng và Nhà nước sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, trong đó rất tin tưởng chiếm 69%" - ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ nêu rõ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết.
Chiều ngày 18/8, Thường trực Chính phủ đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác phòng chống dịch Covid-19, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo một số vấn đề cần quan tâm về tình hình nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Dân vận Trung ương; báo cáo của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh; báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về công tác chăm lo, hỗ trợ đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội…
Các đại biểu phát biểu ý kiến đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần "quyết liệt, khoa học, vì dân", đạt nhiều kết quả, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận rất cao trong các tầng lớp nhân dân.
Các ý kiến nhận định, sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, các ngành các cấp đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả, các chính sách hỗ trợ đã đến trực tiếp người dân với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện hơn nhiều so với gói hỗ trợ trước đây.
Nhân dân khắp cả nước đang chung tay, chung sức cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ chống dịch bằng những hành động rất cụ thể và thiết thực, bằng tấm lòng thiện nguyện, tình cảm yêu thương đồng bào đã kịp thời chia sẻ đối với những người dân, người lao động nghèo gặp khó khăn trong các khu vực cách ly, phong tỏa hoặc trở về quê khi bị mất việc làm…
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ nêu rõ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đánh giá rất cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên quyết, kiên trì phòng chống dịch, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là trong đợt bùng phát dịch thứ 4 với rất nhiều điểm khác biệt so với các đợt bùng phát trước đây như biến chủng Delta nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, trong khi một số nơi đã có tâm lý chủ quan sau 3 đợt dịch trước…
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện đúng chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, bám sát thực tiễn, lắng nghe kịp thời các ý kiến, nhất là của người dân, để điều chỉnh cơ chế, chính sách mau lẹ, cơ bản đáp ứng yêu cầu chống dịch. "Chiến lược vaccine không thể tốt hơn", ông Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Khảo sát về dư luận xã hội ở 21 tỉnh, thành phố trong 6 tháng đầu năm cho thấy, 90% ý kiến đánh giá tốt về việc thành lập Quỹ vaccine Covid-19, 82% đánh giá tốt về chủ trương và việc thực hiện mục tiêu kép, 61% đánh giá tốt về phát huy dân chủ và tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân.
"Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, lăn lộn ngày đêm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt như vậy thì chắc chắn tình hình sẽ còn phức tạp hơn, thiệt hại, mất mát sẽ lớn hơn. Điều tra xã hội học cũng cho thấy, 97% tin tưởng Đảng và Nhà nước sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, trong đó rất tin tưởng chiếm 69%", Chủ tịch MTTQ Việt Nam nêu rõ.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi, làm rõ nhiều kiến nghị, đề xuất từ các đại biểu, nhất là đáp ứng yêu cầu y tế của mọi người dân ở mọi nơi, mọi lúc.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo rất rõ: Các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng phải dứt khoát đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết, ưu tiên cho phòng chống dịch, trong đó phải tập trung làm bằng được hai việc.
Thứ nhất, phải bảo đảm không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc, đáp ứng mọi yêu cầu y tế của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Thứ hai, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, với sự tham gia, vào cuộc, giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là hai mặt của một vấn đề để thực hiện thành công giãn cách xã hội. Để người dân chấp hành theo tinh thần "ai ở đâu ở đó" thì chúng ta phải đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Trong thời gian giãn cách, phải bảo đảm người cách ly với người, xét nghiệm thần tốc, toàn diện, rộng rãi để phát hiện và bóc tách F0 khỏi cộng đồng, phong tỏa, bao vây ổ dịch nghiêm ngặt, cùng với các biện pháp khác như 5K, vaccine, thuốc điều trị, ứng dụng công nghệ và các biện pháp khác để ngăn chặn lây nhiễm.
Để hạn chế tối đa số ca tử vong, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, chủ trương rất rõ với các biện pháp toàn diện như triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa người bệnh, các trường hợp cấp cứu thì nhập viện trước, làm thủ tục sau… Thủ tướng gợi ý ngoài việc điều trị tại bệnh viện, thí điểm điều trị tại nhà với các F0 không có triệu chứng, Bộ Y tế nghiên cứu việc tổ chức điều trị tại bất cứ nơi nào tốt nhất, có không gian thoáng mát, kết hợp đông y và tây y…; nơi nào có nhiều F0 thì phải có nhiều biện pháp phù hợp.
Nhã MiGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.