Người đội trưởng có nhiều sáng kiến của ngành Điện

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:17 AM 20/03/2021

Nhắc đến anh Trần Minh Hùng (Đội trưởng Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Ninh Kiều, Công ty Điện lực TP. Cần Thơ), đồng nghiệp đều biết đến anh là người là người nhiệt huyết trong công việc, đam mê sáng tạo và có nhiều sáng kiến có giá trị được áp dụng rộng rãi trong Công ty.

Người đội trưởng có nhiều sáng kiến của ngành Điện - Ảnh 1.

Trần Minh Hùng - Đội trưởng Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Ninh Kiều, Công ty Điện lực TP. Cần Thơ

Công tác tại đơn vị từ năm 1991, 39 tuổi đời, 28 năm gắn bó với ngành Điện, anh Hùng luôn là tấm gương sáng về tinh thần ham học hỏi và nỗ lực trau dồi kiến thức để hoàn thành tốt công việc được giao. Anh tâm niệm: "Trong thời đại công nghiệp hóa, nếu không đổi mới, sáng tạo thì sẽ bị tụt hậu lại phía sau".

Từ suy nghĩ ấy, anh đã dành thời gian mày mò, tìm tòi nghiên cứu để cho ra đời hàng loạt sáng kiến, mang lại lợi ích thiết thực cho công ty, cho ngành Điện. Anh Hùng nhớ lại: Năm 2005, trong quá trình làm việc, anh thấy rằng các bộ tiếp đất hạ áp do Điện lực Ninh Kiều quản lý dễ gãy, rất khó thao tác, nếu thay mới thì giá lên đến gần 3 triệu đồng/bộ. Anh nảy sinh ý định chế tạo loại tiếp đất hạ áp với chi phí thấp hơn và dễ sử dụng hơn. Và chỉ sau 3 tháng nghiên cứu và thử nghiệm, anh đã cho ra đời bộ tiếp đất hạ áp với tổng chi phí chưa đến 2.100.000 đồng/bộ. Trung bình, 9 Điện lực thuộc PC Cần Thơ, mỗi Điện lực cần đến 6 bộ tiếp đất thì so với việc mua bộ tiếp đất hạ áp mới, sáng kiến của anh Hùng đã làm lợi cho ngành Điện gần 140 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, anh luôn lưu tâm những việc nhỏ, những thao tác trong công việc để cho ra đời nhiều sáng kiến khác áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Từ năm 2010-2018, mỗi năm anh đều cho ra đời 1 sáng kiến và đều được áp dụng tại các đơn vị trong Công ty. Trong đó, có vài sáng kiến mà anh tâm đắc như: "Dùng thủy lực xe cẩu để ép mối nối trung hạ áp" áp dụng năm 2016 trong hệ thống điện cáp ngầm nối trung hạ áp, trạm biến áp, giúp giảm bớt sức loa động và cải thiện quá trình thi công khi trước đây việc xử lý các mối nối trên hệ thống lưới điện ngầm phải sử dụng bộ ép thủy lực bằng máy nổ và bằng tay vừa tốn nhiều sức lao động, vừa mất thời gian cũng như chi phí. Sáng kiến cũng giảm được đến 90 triệu đồng cho mỗi đơn vị Điện lực so với 1 bộ ép bằng máy nổ có giá 120 triệu đồng ngoài thị trường. 

Hay như sáng kiến: "Cảo đầu búa cáp ngầm trong ngăn LBS trạm hộp bộ" thực hiện năm 2018. Anh Hùng nghiên cứu sử dụng cảo để tháo đầu búa cáp ngầm và chỉ cần 1 người thao tác thay vì dùng dây thừng và cần 2 đến 3 người như trước. 

Khiêm tốn nói về những sáng kiến của mình, anh Hùng chia sẻ: Những sáng kiến, giải pháp không thể làm một mình mà cần phải có sự hỗ trợ từ lãnh đạo đến đồng nghiệp. Tất cả cùng đầu tư thời gian, công sức, ý tưởng để đưa ra giải pháp tối ưu.

Trong suốt quá trình công tác, anh Hùng luôn tận tình hướng dẫn kèm cặp công việc cho công nhân mới vào nghề và luôn chú ý lắng nghe ý kiến đóng góp của anh em trong đơn vị. Anh Hùng tâm niệm, ngoài truyền lửa nhiệt huyết qua những công việc hàng ngày thì cần tạo động lực cho lớp trẻ phát triển về nghề nghiệp, thu nhập, công việc ổn định, qua đó mọi người sẽ cảm thấy yêu nghề và sẵn sàng cống hiến cho công việc

Đối với anh Trần Uy Vũ, cán bộ kỹ thuật - Đội Quản lý vận hành ĐD & TBA Điện lực Ninh Kiều, anh Hùng không chỉ là người đội trưởng mà còn là người anh, tấm gương sáng để anh học hỏi trong công việc và cuộc sống.

"Có những sự cố xảy ra trên đường dây lúc nửa đêm, anh Hùng đều nhanh chóng có mặt tại hiện trường cùng anh em giải quyết. Anh rất nhiệt tình hướng dẫn tay nghề cho anh em trong đơn vị. Trong xử lý công việc, anh là người nguyên tắc và quyết đoán, nhưng bên ngoài thì anh rất giản dị và hòa đồng với tất cả mọi người", anh Vũ kể lại.

Hiện nay, anh Hùng đang tiếp tục nghiên cứu dùng tó 1 chân để chỉnh trụ điện bị nghiêng ở địa hình hẹp như các hẻm nhỏ hay khu dân cư mà phương tiện cơ giới không thể vào được. Anh cũng đang trăn trở, ấp ủ các giải pháp để giảm thiểu tình trạng mất điện do sự cố và khi khắc phục thì phải có điện trở lại trong thời gian ngắn nhất.

Bằng những thành tích xuất sắc trong công tác, anh Hùng vinh dự 8 lần đón nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua do Tổng công ty Điện lực miền Nam trao tặng, 1 lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua của Bộ Công Thương, cùng nhiều giải thưởng tại Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi do Công ty Điện lực TP. Cần Thơ, Tổng công ty Điện lực miền Nam tổ chức. Ngoài ra, anh còn được nhận Bằng khen của EVN, Bộ Công Thương và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Trương Hưng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.