Người gieo chữ miễn phí cho trẻ khuyết tật
Ở phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) có một bà giáo mặc dù bước vào tuổi 88 vẫn ngày ngày đứng lớp dạy trẻ em khuyết tật. Bà vừa là Hiệu trưởng, vừa là giáo viên, đồng thời cũng là người bảo mẫu và lao công - bà giáo Hồ Hương Nam. Bà không hưởng lương hay nhận bất kỳ khoản tiền học phí nào của ai…
Lớp đặc biệt, trò đặc biệt
Thấy chúng tôi loay hoay hỏi thăm đến lớp học tình thương của bà Hồ Hương Nam, mấy đứa trẻ đang nô đùa bỗng dừng chơi sốt sắng chỉ đường cho tôi đến Trường THCS An Dương và nói: "Lớp ấy đang được học nhờ tại đây, chú ạ". Có đứa còn láu táu đi trước dẫn đường.
Đang giờ học, trường lặng phắc. Từ cửa lớp, tôi rón rén ngó vào trong quan sát. Định chờ đến giờ ra chơi sẽ hỏi chuyện cô, trò thì một bà già tóc bạc phơ, có gương mặt rất phúc hậu và dáng đi còn khá nhanh nhẹn bước ra mời chúng tôi vào thăm lớp.
Trong căn phòng học còn mới nguyên màu sơn, với đầy đủ các đồ dùng vật dụng tối thiểu như bàn, ghế. Lớp có 13 em học sinh. Thoạt nhìn, hầu hết các em đã có vóc dáng của những người trưởng thành, nhưng khi tiếp xúc mới hay chúng đều có dấu ấn của những đứa trẻ còn bỡ ngỡ, ngây ngô.
Thấy chúng tôi có vẻ lạ lẫm với quang cảnh nơi này, bà giáo Nam cho biết: "Đây là các trẻ bị mắc các chứng thần kinh phân liệt: Câm điếc, down, thiểu năng trí tuệ, liệt vận động tứ chi, mỗi em đều có những số phận thật thương tâm".
Gọi là "các trẻ" như vậy nhưng tuổi đời của nhiều em ở đây đã ngoài 30, có em theo học bà Nam 20 năm có lẻ. Trong suốt cả quãng thời gian lớp được bà thành lập đến nay, có em được bà cho nghỉ vẫn cứ nằng nặc xin học tiếp. Bà kể: Nay cháu này đã biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng, trừ, nhân, chia để phục vụ công việc bán hàng kiếm sống. Những năm đầu, cháu còn được bố mẹ đưa đi, đón về. Về sau cả bố và mẹ cháu đều không còn sống, cháu phải ở với anh trai, vẫn tự đi học một mình, rất chăm chỉ. Có cháu nay đã bập bẹ nói được vài câu, viết được vài chữ tuy còn nghuệch ngoạc.
Học sinh của bà ngoài phường sở tại Yên Phụ, có cháu đến từ quận Hai Bà Trưng (hơn 30 tuổi, nửa tự kỷ, nửa down), có cháu đến từ Phú Thượng, Đông Ngạc, phố Ngô Sĩ Liên (Đống Đa), từ phố Lê Duẩn, Bách Khoa... và, trước đây còn có cháu đến từ Thạch Thất.
Hồi đầu, lớp có cháu bị liệt, đi vệ sinh rất khó khăn. Hàng ngày bà phải tích trữ những chiếc vỏ chai lavie để giúp cháu đi vệ sinh ngay tại lớp rồi tự tay bà mang đi đổ. Năm tháng qua đi, giờ nghĩ lại, đôi lúc bà cũng chẳng hiểu tại sao mình lại có đủ nghị lực vượt qua tất cả để vừa dạy vừa chăm các cháu như chăm con mình như vậy.
Nhiều thế hệ với hơn sáu chục con người khuyết tật như vậy đã đến đây, nương nhờ vào bà, để biết được mặt chữ, con số, hy vọng có chút hành trang vào đời kiếm sống. Nhìn những cuốn vở tập viết, tập tô, những que tính đang được bày ra trước mặt những em học sinh không còn tuổi đến trường, lòng tôi trào dâng bao nỗi xúc động. Tốt số, nếu như những người bình thường, chúng cũng đã lập gia đình, có vài mặt con…
Gian nan, thiếu thốn vẫn không bỏ cuộc
Lớp tan học rồi mà chúng tôi còn nấn ná, chưa muốn dời chân, là tôi có ý muốn theo chân bà về thăm nhà. Bà giáo Nam sững người, ngần ngại: "Nhà tôi tuềnh toàng lắm, e các nhà báo chê, không tiện". Nhà bà quả là tuềnh toàng, cũ kỹ quá. Bà ở đây một mình. Căn nhà chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông, do Nhà nước cấp cho hai vợ chồng bà từ hồi mới tập kết ra Bắc từ năm 1957, tọa trên một khu đất chừng vài chục mét vuông, nằm sâu trong một căn ngõ của phố An Dương.
Cái gì ở đây cũng cũ kỹ, chắp vá, chỉ thấy mới nhất là tấm Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng cho bà năm 2015, Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú (2014), do UBND TP Hà Nội tặng bà, ảnh Chủ tịch UBND TP Hà Nội đến thăm hỏi bà trong dịp Tết Đinh Dậu (2017), ảnh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thăm và tặng quà cho lớp học tình thương của bà (2013)…
Tôi lựa một góc nhà ngồi thừ người ra mà suy tư, chiêm nghiệm mãi về một con người, một cuộc đời, một chân dung thật đặc biệt và hiếm có trên thế gian này. Một cách chậm rãi, bà kể cho chúng tôi nghe về mình, một cách nhỏ nhẹ đến khiêm nhường.
Bà Nam quê gốc ở Đông Ba, TP Huế. Tốt nghiệp Trường Sơ cấp Sư phạm Huế năm 1952. Vì có chút chuyên môn sư phạm nên từ khi ra Bắc tập kết đến nay, bà vẫn theo suốt nghề dạy học. Đầu tiên, bà dạy tại Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình rồi theo chồng ra Hà Nội dạy tại các Trường Cấp 1 Mạc Đĩnh Chi, Phan Chu Trinh, Trường Cấp 1-2 Hoàng Hoa Thám và nghỉ hưu sớm vào năm 1979 tại đây do sức khoẻ yếu.
Về hưu, nhưng bà không nghỉ mà sốt sắng tham gia công tác dân số tại phường. Lúc đầu bà chỉ định làm cho khuây khỏa, nào ngờ đây chính lại là điểm khởi nguồn của lớp học tình thương hôm nay.
Năm 1992, trong khi "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động bà con trong phường sinh đẻ có kế hoạch, bà gặp nhiều trẻ khuyết tật thất học, thật thương tâm. Lớn rồi mà chúng vẫn chưa biết đọc, biết viết. Bản năng sư phạm vốn có lại trỗi dậy, bà đi vận động mọi người chung tay cứu giúp chúng, làm sao có nơi, có chốn để bà có thể dạy dỗ chăm sóc chúng. "Đi đến đâu tôi cũng gặp phải những câu nói bảo rằng tôi dở hơi, về hưu rồi nên nghỉ ngơi hoặc có làm thì làm nghề gì khác mà kiếm sống, tội gì mà phải khổ thế. Nghe vậy, tôi không chùn bước mà càng thêm quyết tâm" - Bà Nam tâm sự. Mượn tạm được trụ sở tuần tra của khu dân cư làm lớp, bà đón hai cháu khuyết tật về dạy. 1 tháng trôi qua, các cháu nhận thức rất nhanh, tiến bộ trông thấy. Thấy vậy, gia đình các cháu vô cùng hoan nghênh.
Được đà, bà nhận thêm 6 cháu nữa, nhưng mới 2 năm, lớp đã phải rời đi chỗ khác để phường lấy địa điểm làm nhà văn hóa. Bà cháu lại dắt nhau đến nương nhờ tại một nhà trẻ bỏ trống gần đó. 2 năm sau lớp lại phải di dời, nhường chỗ cho địa phương làm chỗ học bán trú cho trường tiểu học. Không bỏ cuộc, 1 tuần liền bà bỏ tiền túi ra thuê xe ôm lên gõ cửa lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Tây Hồ để rồi cuối cùng, công sức cũng như những cố gắng của bà không uổng. Từ năm 2002 đến nay, Phòng Giáo dục quận Tây Hồ cũng như Đảng ủy, UBND và các cấp chính quyền đoàn thể phường Yên Phụ biết đến và nỗ lực giải quyết cho bà được chuyển địa điểm lớp học tình thương về tá túc tại Trường THCS An Dương, cho đến tận bây giờ.
"Bà cháu tôi đời đời nhớ ơn cô giáo Trần Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường lúc bấy giờ, đã đón chúng tôi về đây, bố trí cho học tại một lớp có đầy đủ bàn ghế, quạt mát". Bà giáo Nam còn nhắc mãi với chúng tôi những lời nói thật thấm đậm nghĩa tình của người Hiệu trưởng giàu lòng nhân ái: "Em rất cảm động trước tấm lòng của chị. Em không làm được thì em ủng hộ chị và các cháu".
Tiếp quản trách nhiệm quản lý ngôi trường này, các thầy, cô hiệu trưởng khác vẫn tiếp tục chung tay giúp đỡ cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà giáo Nam tiếp tục thực hiện ý nguyện cao cả ấy. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS An Dương cho biết: "Không phải cho đến tận bây giờ khi có điều kiện xây mới khang trang trường lớp, chúng tôi mới giúp đỡ thầy trò bà Nam. Mà trong những năm trước đây, từ hồi nhà trường còn rất khó khăn, chỉ có 16 phòng học, không có phòng thể chất đóng tại số 9, ngõ 189, phố An Dương, chúng tôi vẫn luôn dành phòng cho bà Nam mở lớp học này".
Bây giờ, thầy trò bà Nam có thể yên tâm dạy và học tại 2 phòng học khang trang, trong đó có một phòng giáo dục thể chất của Trường THCS An Dương. Không những tạo điều kiện như vậy, UBND quận Tây Hồ còn ủng hộ cho lớp 3 chiếc xe tập đa năng. Đài Truyền hình tặng xe đạp cho những học sinh khuyết tật lớp của bà có hoàn cảnh khó khăn để trẻ vượt khó vươn lên học tốt.
"Tôi không bán chữ!"
Cho đến nay, khi có đến hơn 60 cháu được qua tay bà dạy dỗ đã biết đọc, biết viết, lớp vẫn giữ một nguyên tắc bất di, bất dịch: Dạy học miễn phí!
"Tôi không bán chữ!" là câu nói cửa miệng được bà nhắc đi nhắc lại nhiều lần với mọi người. Ai biếu lớp quà gì bà nhận tuốt, chỉ trừ... phong bì. Có người biếu tiền cho bà rồi nói: "Không ai biết ngoài tôi và bà đâu ạ!". Bà bảo: "Có đấy! Hai vai tôi biết...".
"Vậy bà lấy tiền đâu ra để trang trải các khoản chi phí cho lớp?". Nghe tôi hỏi, bà cười: "Tôi trích từ lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng, cộng với khoản tiền các con cho hàng tháng, khoảng 1 triệu đồng nữa".
Thấy mẹ già yếu rồi vẫn cặm cụi lo việc từ thiện xã hội, cũng có lần các con khuyên bà nên nghỉ. "Chúng xót tôi đấy. Nhưng khi được biết đây là nguồn vui là hạnh phúc của tôi, các con lại ủng hộ".
Ông nhà "chê bà xấu" (theo cách nói của bà) mà bỏ đi khỏi cõi đời này từ năm 1981, để lại bà một mình nuôi dạy 3 con khôn lớn. Nay các con bà đã trưởng thành, có người làm đến phó giáo sư, tiến sĩ. Các anh, chị ấy thường tâm sự với mọi người: "Thế này mẹ cháu mới sống được lâu…".
Không nhận bất kỳ khoản tiền nào của ai vậy mà bà khoe "Tuần nào tôi cũng có quà cho các cháu đấy nhé!". Ấy đơn giản có khi chỉ là những chiếc bánh mì con con, hay những cuốn vở với tổng trị giá vài chục nghìn đồng, được chi từ tiền riêng của bà, để động viên các cháu. "Ôi giời! Các cháu mình ăn chứ ai ăn đâu mà sợ", nói đoạn bà cười rất vui...
Bà kể: "Vui nhất ấy là có lần tôi được các cháu tặng hoa, mỗi cháu một bông nhân ngày 20/11. "Bà ơi! Hôm nay là ngày của bà", bọn chúng chỉ nói được mấy câu như vậy rồi ùa vào nhà tôi tặng hoa, bá vai, bá cổ ôm hôn tôi".
Đôi lúc thấy bà có vẻ buồn buồn, chúng chạy lại ôm bà thủ thỉ, câu được câu chăng. Có lần bà sơ ý bị ngã gãy chân phải đi nằm viện. Thấy vậy, bọn trẻ kéo nhau vào thăm. Có đứa cứ ôm lấy bà mà hỏi thầm: "Bà ơi, bà có chết không bà?". "Cả đời làm nghề sư phạm, đó là những khoảnh khắc mà tôi sung sướng nhất, các anh ạ". Bà cười ngất mà nước mắt tôi cứ chảy ra thương bà giàn giụa…
Bà giáo Nam "khoe" với người viết bài này: "Năm học 2019-2020 vừa qua, lớp có 3 cháu được tôi cho "tốt nghiệp", giới thiệu việc làm thì lại có 3 cháu khuyết tật mới xin nhập học. Chính vì thế, chúng "giúp" tôi tiếp tục duy trì sĩ số 18 học sinh".
Ở vào cái tuổi 88, với bà, hoạt động như thế dường như vẫn chưa đủ, "Tôi đang tích cực vận động các nơi để lớp thu hút thêm vài cháu nữa. Mà tôi còn tham gia công tác khuyến học, chăm sóc nghĩa trang phường và Hội Người cao tuổi nữa đấy…" - bà giáo nói, giọng thản nhiên. Còn tôi, tôi không giấu được sự ngạc nhiên, thán phục về bà…
Số liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.