Người lao động hưởng lợi ích gì từ các chính sách khôi phục thị trường lao động ngay sau kỳ nghỉ Tết?
Thị trường lao động sau Tết Nguyên đán năm 2022 đã có nhiều khởi sắc hơn năm trước. Để thu hút người lao động trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết, Chính phủ, các tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách nhằm góp phần phục hồi thị trường lao động.
Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một nội dung quan trọng trong gói phục hồi kinh tế này là nhóm chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Theo Nghị quyết, gói phục hồi kinh tế sẽ hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Trong đó, người lao động quay trở lại thị trường lao động sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và cho cá nhân, hộ gia đình vay tiền để mua, thuê nhà ở xã hội. Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Bên cạnh các chính sách từ Chính phủ, các tổ chức Công đoàn tại nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chính sách tặng quà, lì xì, hỗ trợ cho người lao động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có những chính sách riêng để thu hút người lao động quay trở lại làm việc đúng hẹn ngay từ những ngày đầu năm mới. Cụ thể, các công ty đã phối hợp với công đoàn tổ chức các chuyến xe đưa người lao động về quê đón tết, sau đó bố trí xe vào các địa phương đón người lao động quay trở lại làm việc.
Không chỉ thế, trong ngày đầu làm việc, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các hoạt động bốc thăm trúng thưởng, lì xì cho người lao động nhân dịp năm mới. Những hoạt động này nhằm tri ân người lao động sau những năm tháng gắn bó với doanh nghiệp.
Trên thực tế, giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp giữ chân người lao động sau Tết đó là thực hiện tốt chế độ lương, thưởng, phúc lợi. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ người lao động về các chi phí đi lại, xét nghiệm Covid-19.
Sau dịp nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, Liên đoàn Lao động của nhiều tỉnh thành cũng có nhận định rằng tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc khá cao. Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, tính đến 10h00 ngày 7/02/2022, có 90,24% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 96,13% số người lao động trở lại làm việc. Trong đó, lao động tập trung ở các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp và chế xuất, ngành Dệt May, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo Công đoàn Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, ngày 07/02 có khoảng 80% lao động đã quay trở lại làm việc. Số liệu thống kê cho thấy, số lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán năm nay nhiều hơn các năm trước.
Hay tại Thanh Hoá, từ ngày 6/2 đã có hơn 83.700 công nhân, lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu đi làm trở lại. Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, đến ngày 7/2 đã có 98,7% người lao động trên địa bàn tỉnh làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, ngày đầu tiên làm việc của năm mới Nhâm Dần 2022, có hơn 90% lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn quay trở lại làm việc.
Minh TiếnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.