Người lao động nên cân nhắc nếu thanh toán BHXH một lần

Xã hội
11:58 AM 18/11/2021

Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được Chính phủ xem xét. Do đó, ở thời điểm hiện tại người lao động nên cân nhắc thiệt hơn khi rút BHXH 1 lần như: Số tiền nhận ít hơn số tiền đóng; Không được cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội; không có Bảo hiểm y tế lúc gặp khó khăn, hoạn nạn…

Nhận BHXH một lần, người lao động bị thiệt thòi nhiều về quyền lợi

Người lao động rút BHXH một lần - khoản đóng góp, tích lũy được coi như của dành cho tuổi già là không sai, nhưng nên cân nhắc kỹ. Bởi, khi nhận BHXH một lần, đồng nghĩa người lao động rời khỏi hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ, đặc biệt là các chế độ dài hạn, như: Hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế miễn phí…

Giai đoạn này, người lao động nên cân nhắc nếu thanh toán BHXH một lần - Ảnh 1.

Việc rút BHXH một lần khiến người lao động mất đi cơ hội thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội khi về già.

Không ít người trong cuộc và đại diện các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo không nên rút BHXH một lần. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người rời khỏi hệ thống BHXH khá nhiều. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, số người đề nghị hưởng BHXH một lần trên phạm vi cả nước là hơn 3,7 triệu người (trung bình mỗi năm gần 750.000 người), tương ứng với 2 người tham gia mới, thì có một người rời hệ thống. Cần quan tâm hơn, số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Dưới góc độ triển khai chính sách, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành giải quyết cho 561.570 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 110.000 người so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân là ảnh hưởng về việc làm, số người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc tăng, chủ yếu là lao động trẻ, chưa có nguồn tích lũy, nên họ cần tiền để trang trải cho cuộc sống. Nguyên nhân khác là việc thiết kế chính sách BHXH có một số điểm còn thiếu linh hoạt, khiến một số người không đủ điều kiện, khả năng để tham gia cho đến khi đủ thời gian hưởng lương hưu...

Lao động nên cân nhắc nếu rút BHXH 1 lần ở giai đoạn này 

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề bảo hiểm xã hội đã được đưa ra thảo luận. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết sắp tới, Chính phủ sẽ bàn về nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Giai đoạn này, người lao động nên cân nhắc nếu thanh toán BHXH một lần - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này, là xem xét về việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm.

Đề xuất này là một trong các bước thể chế hóa chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết 28/NQ-TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Cụ thể, Nghị quyết 28 nêu rõ: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội”.

Đây cũng là một trong những nội dung mà lãnh đạo BHXH Việt Nam kiến nghị đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo.

Theo đó, thời gian đóng BHXH sẽ được rút ngắn, người lao động chỉ cần đáp ứng thêm điều kiện về tuổi nghỉ hưu. Đề xuất nêu trên là tín hiệu để cho những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu số năm đóng BHXH. Thay vì phải rút BHXH một lần, hay phải đóng tiếp BHXH tự nguyện, thì sắp tới, những người này đã đủ điều kiện được nhận lương hưu.

Do đó, những ai có ý định rút BHXH 1 lần cần cân nhắc vào giai đoạn này.

Ngoài ra, còn có một trường hợp khác, đó là trường hợp người lao động đã nghỉ việc, chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng đã đủ 15 năm đóng BHXH. Nếu như không có nhu cầu cấp thiết, người lao động cũng không nên rút BHXH một lần, mà nên bảo lưu thời gian đóng để đợi đủ tuổi nhận lương hưu (trước đây, người lao động thuộc trường hợp này cần phải tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ 20 năm đóng BHXH).

Nhìn chung, dù ở trường hợp nào, thì việc giảm số năm đóng BHXH để nhận lương hưu cũng có lợi cho người lao động, giúp người lao động dễ dàng tiến tới cơ hội được nhận lương hưu hơn.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.