Người lao động sẽ được thêm tiền lãi nếu nhận lương chậm 15 ngày
Từ ngày 1/1/2021, trong trường hợp bị trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người lao động được đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm.
Cụ thể, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm trả lãi của người sử dụng lao động khi vi phạm nghĩa vụ trả lương cho người lao động như sau:
Kể từ 1/1/2021, người lao động nếu bị trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, sẽ được đền bù một khoản tiền, ít nhất bằng tiền lãi của số tiền lương chậm trả. Đây là lãi suất được công bố tại thời điểm trả lương. Khoản tiền lãi này được tính dựa trên lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng nơi người lao động nhận lương định kỳ, do người sử dụng lao động mở.
Mặt khác, trường hợp công ty trả lương không đúng thời hạn (trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019) thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước cho công ty theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động 2019.
Theo đó, Luật quy định về các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước bao gồm:
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động năm 2019;
Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động năm 2019;
Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Lao động năm 2019;
Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động năm 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Điều 100 Bộ luật Lao động 2012 đang có hiệu lực chỉ quy định người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận. Còn theo BLLĐ 2019, người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Cũng theo BLLĐ 2019, người lao động đi nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương. Trong khi đó, theo Bộ luật 2012, người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng lương và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra, trường hợp hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng, nghỉ hàng năm, tạm đình chỉ công việc… thì người lao động được tạm ứng lương.
Về nguyên tắc trả lương cho người lao động, Điều 94 BLLĐ 2019 bổ sung quy định người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động.
Mặt khác, người sử dụng lao động cũng không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Nhân kỷ dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, sáng 6/10, thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”.