Người Nga đổ xô đi mua điện thoại Trung Quốc - miếng bánh béo bở mà Apple và Samsung bỏ lại
Doanh số bán điện thoại thông minh từ Huawei, Oppo và Vivo tại Nga đã tăng đáng kể trong hai tuần đầu tháng 3.
Các thương hiệu điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android của Trung Quốc đang chứng kiến nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Nga trong tháng này.
Điều này được thúc đẩy bởi mức chi tiêu của người dùng địa phương cho các thiết bị điện tử thiết yếu tăng lên khi các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Anh và các nước phương Tây nhằm vào Nga khiến giá trị đồng rúp rơi tự do.
Ông Ivan Lam, nhà phân tích tại Counterpoint Research, một công ty nghiên cứu dữ liệu thị trường điện thoại di động có trụ sở tại Hong Kong cho biết: "Những nhà bán lẻ điện thoại tại Nga đang đặt ra các mức giá cao hơn, cứ vài ngày một lần, để bù đắp các khoản lỗ tỷ giá. Người tiêu dùng đang mua mọi thứ, từ điện thoại thông minh cho đến thiết bị gia dụng trước khi đồng rúp tiếp tục mất giá".
Theo báo cáo của nhật báo Nga Kommersant ngày 16/3, doanh số bán điện thoại thông minh từ những hãng điện thoại lớn của Trung Quốc bao gồm Huawei, Oppo và Vivo đã tăng đáng kể trong hai tuần đầu tiên của tháng 3, trích dẫn dữ liệu từ nhà điều hành mạng di động lớn nhất nước MTS.
Báo cáo cho biết, số lượng điện thoại thông minh Huawei được bán ra trong thời gian này nhiều gấp ba lần so với thời gian hai tuần trước đó. Đồng thời, doanh số bán thiết bị của Oppo và Vivo đều tăng 200% trong cùng kỳ, trong khi của ZTE Corp và Realme tăng lần lượt 100% và 80%.
Các mẫu điện thoại thông minh mới của Huawei được nhìn thấy tại một cửa hàng điện tử ở Moscow, Nga. (Ảnh: Shutterstock)
Tuy nhiên, doanh số bán hàng tăng nhanh lại đang phản ánh sự hoảng loạn trong hành vi mua hàng của người tiêu dùng Nga do đồng rúp suy yếu thay vì sự yêu thích của người dân địa phương đối với các thương hiệu smartphone Trung Quốc tăng lên. Tính đến ngày 17/3, đồng rúp được giao dịch ở mức 104.47 USD.
Ông Ivan Lam cho biết doanh số bán hàng tăng mạnh gần đây mà các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc ghi nhận có thể sẽ sớm giảm xuống, do nhiều nhà phân phối ở Nga đã ngừng nhập khẩu các thiết bị từ Trung Quốc vì rủi ro tỷ giá hối đoái.
Theo báo cáo của Kommersant, khoảng thời gian hai tuần trước khi bước vào tháng 3, tổng doanh số bán điện thoại thông minh ở Nga đã tăng gấp 4 lần từ ngày 24 đến ngày 28/2, so với 4 ngày trước đó. Vào lúc đó, các mẫu điện thoại thông minh chạy hệ điều hành iOS và Android của Apple cũng như Samsung Electronics và Xiaomi là những mẫu điện thoại có nhu cầu cao nhất tại thị trường Nga.
Tuy nhiên, Apple sau đó đã tạm dừng bán iPhone và các sản phẩm được đánh giá cao khác của họ tại Nga từ ngày 1/3, sau khi Nga tiến công quân sự tại Ukraine. Ngay sau đó vài ngày, Samsung cũng tiếp bước Apple khi thông báo tạm dừng bán hàng tại Nga.
Theo Arkady Markaryan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh điện thoại thông minh tại AliExpress Russia, các thương hiệu điện thoại thông minh lớn của Trung Quốc đã có đủ hàng tồn kho tại các kho hàng địa phương của họ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, sau động thái ngừng bán hàng của Apple và Samsung.
Song, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Nga, bao gồm hạn chế thanh toán và logistics, đã tạo ra một thách thức lớn cho các công ty công nghệ Trung Quốc muốn tiếp tục kinh doanh tại nước này trong bối cảnh cuộc chiến căng thẳng leo thang.
Transsion Holdings, một nhà sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ có trụ sở tại Thâm Quyến, gần đây thông báo rằng họ đang dựa vào khả năng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ để duy trì hoạt động của mình tại thị trường Nga.
Tuy nhiên, ông Lam đã chỉ ra những khó khăn với chiến lược thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Ông nói: "Ngành công nghiệp điện thoại thông minh vẫn đang sử dụng đồng USD để tính toán chi phí sản xuất và định giá thiết bị cầm tay, vì vậy rất khó để có thể sớm chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ".
Chất bán dẫn và các thành phần quan trọng khác được sử dụng để sản xuất điện thoại thông minh chủ yếu được cung cấp bởi các công ty ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, tất cả đều sử dụng đồng đô la Mỹ để thanh toán các giao dịch quốc tế.
Ông Ivan Lam cho biết các thương hiệu lớn của Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, Oppo và Vivo cũng phải cân nhắc các vấn đề nếu rủi ro kinh doanh ở Nga vượt xa tham vọng mở rộng doanh số bán hàng ở khu vực Tây Âu, nơi nhiều người đang phản đối cuộc xung đột tại Ukraine.
Phía Washington cũng có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo cảnh báo rằng quốc gia này có thể "đóng cửa" với bất kỳ công ty Trung Quốc nào bất chấp các lệnh trừng phạt bằng cách tiếp tục cung cấp chip cho Nga.
Tham khảo: SCMP
Khánh VyTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.