Người phụ nữ lấy bằng tiến sĩ khi gần 70 tuổi
Ở tuổi gần 70, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM.
Nghiên cứu sinh 68 tuổi- Nguyễn Thị Hồng Cúc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình
Chiều ngày 12/5, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM đã tổ chức buổi đánh giá luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Cúc (68 tuổi) theo học chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại.
Đề tài bà Cúc thực hiện là nghiên cứu về “Sự phát triển đại học ngoài công lập ở TPHCM (1992-2012)”.
Trong báo cáo của mình, bà Cúc nhấn mạnh: “Sự phát triển của loại hình ngoài công lập là một quá trình tất yếu trong xây dựng và phát triển đất nước.
Sự phát triển các trường ĐH ngoài công lập tại TPHCM hiện tại và trong thời gian tới có thể sẽ ngày càng bùng nổ vì nhu cầu lao động quá lớn của thị trường.
Các trường này sẽ bước vào một giai đoạn hoạt động hiệu quả trong tương lai không xa. Riêng ở TPHCM, với những thuận lợi đặc biệt ở địa phương này, các trường sẽ phát triển nhanh hơn nữa”.
Hoàn thành quá trình học tiến sĩ 7 năm và kết thúc công trình nghiên cứu tâm huyết của mình ở tuổi gần 70, bà Cúc là minh chứng cho tinh thần nỗ lực học tập suốt đời.
Về hưu đã lâu, nhưng bà Cúc dành 7 năm để hoàn thành nghiên cứu mà mình tâm huyết
Chia sẻ sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, bà Hồng Cúc nói rằng: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì hoàn thành điều tôi theo đuổi bấy lâu, làm một công trình nghiên cứu khoa học mà tôi tâm đắc nhất”.
Bà cho biết, bản thân mình từng làm việc ở một trường ĐH ngoài công lập, tại đây khi người sáng lập đầu tiên không còn thì xảy ra nhiều chuyển biến mà theo bà còn nhiều điều chưa thoả về mặt chính sách. Từ thực tế đó đã thôi thúc bà bắt đầu nghiên cứu về vấn đề các trường ngoài công lập.
Khi được hỏi dành lời khuyên nào cho người trẻ khi nghiên cứu, bà Cúc nhắn nhủ rằng: “Nếu các bạn trẻ có một mục tiêu trong cuộc đời thì các bạn cứ cố gắng đi tới. Như bản thân tôi khi đã về hưu vẫn có thể đạt được những mục đích của mình”.
Nói về nghiên cứu sinh U70 này, Tiến sĩ Lưu Văn Quyết, Trưởng khoa Lịch sử trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của cô Hồng Cúc suốt 7 năm qua.
Khi cô thi vào học chương trình tiến sĩ của khoa Lịch sử của trường, cô đã 63 tuổi, bây giờ cô đã gần 69 tuổi. Trong suốt quãng thời gian ấy, đã có lúc chúng tôi tưởng chừng cô bỏ cuộc vì sau khi bảo vệ luận án ở cấp chuyên môn thì cô bị bệnh tai biến nhẹ.
Tuy nhiên sau đó cô vẫn phấn đấu và nỗ lực để đạt được kết quả cuối cùng”.
“Trong buổi bảo vệ luận án cô đã làm chủ được vấn đề mình nghiên cứu, trả lời tốt tất cả các nội dung mà hội đồng đánh giá đưa ra. Điều đó chứng tỏ sự học tập nghiêm túc, không kể tuổi tác, không để làm gì nhưng đó là một động lực để thế hệ trẻ noi theo.
Cô là một dẫn chứng cho việc học thực, học suốt đời mà không vì một danh lợi nào cả”, ông Quyết chia sẻ.
Theo Dân Trí
Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.