Người thầy quê lúa gần 40 năm tận tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”

Địa phương
08:19 AM 14/11/2024

Gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Ngọc Mân trải qua hầu hết các vị trí từ việc đứng lớp truyền đạt kiến thức cho các học trò cho đến khi chuyển sang vai trò quản lý nhà trường. Ở bất cứ phương diện nào, thầy Mân cũng thể hiện sự tận tâm đối với công việc, được đồng nghiệp và các cơ quan, đơn vị đánh giá cao.

Từ người lính trở thành nhà giáo

Đã có hẹn từ trước, chúng tôi có mặt tại nhà thầy Mân vào một buổi sáng chớm đông, lúc này, thầy đang ở nhà phụ giúp người vợ bán hàng tạp hóa. Rót trà mời khách, thầy Mân bắt đầu kể lại hành trình trở thành nhà giáo của mình.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Thụy Bình (xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), đến tuổi thanh niên, năm 1982, chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Mân cũng như bao bạn bè cùng trang lứa đã hăng hái lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự để bảo vệ tổ quốc.

Người thầy quê lúa gần 40 năm tận tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”- Ảnh 1.

Thầy Mân khi còn đang ở cương vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Quang

Sau khi phục viên trở về địa phương, năm 1986, nghe lời chị gái khi đó đang là giáo viên, anh Mân đã thi đỗ và theo học Trường Trung cấp Sư phạm Thái Bình với chuyên ngành giáo dục tiểu học. Đến năm 1988, thầy Mân tốt nghiệp và được phân công, điều động về giảng dạy tại Trường Tiểu học Đồng Thanh (xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư).

Người thầy quê lúa gần 40 năm tận tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”- Ảnh 2.

Thầy Mân trong một buổi đứng lớp giảng dạy cho các em học sinh

Năm 1992, thầy Mân lại được điều động về giảng dạy tại Trường Tiểu học Tân Phong (huyện Vũ Thư). 4 năm sau, năm 1996, thầy Mân được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng nhà trường.

Năm 2004, thầy Mân được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Hòa; năm 2010 thì được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Lãng (cùng huyện Vũ Thư). Năm 2020, thầy Mân đã được điều động bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Quang (huyện Vũ Thư).

Người thầy quê lúa gần 40 năm tận tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”- Ảnh 3.

Thầy Mân trong một hoạt động trải nghiệm chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam tại Trường tiểu học Minh Quang

"Tại ngôi trường này, tôi có hơn 4 năm công tác, phụ trách cả công tác giảng dạy và quản lý. Cuối tháng 10/2024, tôi chính thức được về hưu, nghỉ công tác theo chế độ. Gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, gắn bó với các em học sinh từ những ngày đầu cặp sách tới trường, đến khi không còn được chăm lo, giáo dục cho các em nữa, tâm trạng của tôi thật khó diễn tả", thầy Mân bùi ngùi.

"Thầy Mân là tấm gương sáng để chúng tôi học tập và noi theo"

Nhấp ngụm trà, thầy Mân nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ, gắn liền với công việc của mình. Khi mới tốt nghiệp ra trường, thầy Mân về công tác tại Trường Tiểu học Đồng Thanh, ngôi trường này cách nhà thầy khoảng 13 km.

"Ngày đó giao thông đi lại hết sức khó khăn, không có đường trải nhựa, bê tông như bây giờ, những con đường chính thỉnh thoảng có đoạn được trải đá cấp phối, còn lại đều là đường đất nhỏ và hẹp. Với chiếc xe đạp cà tàng, phải mất gần 1 tiếng đồng hồ tôi mới đến được trường, vì vậy phải dậy từ rất sớm. Tôi nhớ có một buổi sáng mùa đông mưa phùn gió rét, đường trơn trượt, đi được nửa quãng đường thì tôi bị ngã xe xuống mương nước, quần áo bẩn hết, lại phải đạp xe về nhà để thay bộ quần áo khác. Vì thế, hôm đó tôi bị muộn giờ lên lớp", thầy Mân nhớ lại.

Thời điểm đó, kinh tế đất nước mới thoát khỏi thời kỳ bao cấp nên đời sống của nhân dân còn vô cùng khó khăn, thầy Mân và các thầy cô trong nhà trường phải rất vất vả đi vận động các gia đình đưa con em đến trường học tập.

Người thầy quê lúa gần 40 năm tận tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”- Ảnh 4.
Người thầy quê lúa gần 40 năm tận tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”- Ảnh 5.
Người thầy quê lúa gần 40 năm tận tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”- Ảnh 6.

Một số bằng khen và giấy khen của thấy Mân được UBND tỉnh Thái Bình và các đơn vị trao tặng

Về những học trò, thầy Mân nhớ nhất là em Phạm Thanh Tùng, học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Minh Lãng khóa 2014 – 2015. Em Tùng là học sinh có khả năng được biệt, dù nhỏ tuổi nhưng khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất lưu loát. Năm học này, em Tùng cũng đã đạt giải nhất trong kỳ thi môn Toán quốc gia qua mạng.

Tại Trường Tiểu học Minh Lãng, nối tiếp thành quả của thế hệ lãnh đạo trước để lại, với cương vị Hiệu trưởng nhà trường, thầy Mân đã lãnh đạo các thầy cô, tập thể cán bộ, nhân viên, học sinh nhà trường đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Năm 2012, nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.

Quá trình công tác tại Trường tiểu học Minh Quang trong hơn 4 năm, thì trong 3 năm liền, thầy Mân cùng nhà trường đã được UBND tỉnh Thái Bình tặng thưởng danh hiệu tập thể xuất sắc.

Được biết, dịp 20/11 tới đây, thầy Mân sẽ được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Ngoài công việc, thầy Mân có 1 gia đình yên ấm, hạnh phúc, người vợ ở nhà tần tảo làm ăn, thay chồng chăm lo cho các con ăn học để chồng yên tâm công tác. Hiện tại, 2 người con trai của vợ chồng thầy Mân đầu đã học tập xong, ra trường và có công việc ổn định trên Hà Nội.

Người thầy quê lúa gần 40 năm tận tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”- Ảnh 7.

Trường Tiểu học Minh Quang, ngôi trường cuối cùng thầy Mân công tác trước khi nghỉ hưu

Trao đối với chúng tôi, cô giáo Trần Thị Thắm, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Quang cho biết: "Quá trình lãnh đạo nhà trường, thầy Mân là người cần mẫn, tận tụy, có trách nhiệm với công việc, đi sớm về khuya. Phong cách làm việc của thầy Mân rất chỉn chu, đề cao hiệu quả trong công tác dạy và học, đi vào thực chất chứ không phải là người chạy theo thành tích. Ngoài ra, thầy Mân là người hết lòng thương yêu học sinh, quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên. Thầy nhận được sự tôn trọng của tất cả mọi người, là tấm gương sáng để chúng tôi học tập và noi theo. Ngày chia tay thầy Mân về hưu, chúng tôi rất bịn rịn, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Chúng tôi vô cùng biết ơn và mong thầy Mân tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của địa phương chúng tôi nói riêng và cả tỉnh Thái Bình nói chung".

Thành Trung - Minh Sơn
Ý kiến của bạn
Giáo dục giá trị lịch sử, văn hóa qua Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” Giáo dục giá trị lịch sử, văn hóa qua Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Chương trình truyền hình trực tiếp "Cùng nhau giữ nước" nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 18/11 tới tại sân vận động Cột Cờ, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội với quy mô 3.000 khán giả.