Người tiêu dùng chi tiêu mạnh dịp Lễ 2/9
Chi tiêu của người tiêu dùng được cải thiện, đặc biệt trong dịp lễ 2/9 vừa qua. Nhiều hệ thống bán lẻ đã ghi nhận lượng khách tăng đột biến.
Bộ Công Thương nhận định, việc tăng lương cơ sở gần đây đã cải thiện đời sống người lao động, giúp tăng sức mua và tiêu dùng nội địa, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ và dịch vụ của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 10% trong năm ngoái, đạt 6,23 nghìn tỷ đồng. Dự báo, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng gần 8% mỗi năm.
Chi tiêu của người tiêu dùng được cải thiện, đặc biệt trong dịp lễ 2/9 vừa qua. Trong dịp lễ năm nay, nhiều hệ thống bán lẻ đã ghi nhận lượng khách tăng đột biến.
Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng chuỗi bán lẻ WinCommerce ước tính lượng khách đến mua sắm tại các cửa hàng WinMart/WinMart+/WiN trong kỳ nghỉ lễ tăng khoảng 10% so với ngày thường.
Tại siêu thị Big C Thăng Long, doanh số bán hàng trong dịp lễ 2/9 đạt mức tương đương với các dịp cuối tuần, đặc biệt doanh thu từ mặt hàng bánh trung thu và trái cây nhập khẩu tăng mạnh. Doanh thu từ bánh trung thu handmade của Big C tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ riêng trong ngày 1/9, ghi nhận của hệ thống MM Mega Market cho thấy doanh số đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị giỏ hàng của khách tăng trung bình khoảng 10% so với ngày nghỉ 1/9 năm ngoái.
Ngày 3/9, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… ghi nhận sức mua tại các siêu thị, cửa hàng thuộc hệ thống đã tăng khá so với ngày thường, có nơi tăng gần gấp 2 lần. Đặc biệt, những điểm bán đơn vị ghi nhận các Co.opmart, Co.opXtra nằm trong các căn hộ cao tầng, trung tâm thương mại… có lượt khách tăng cao.
Đại diện các siêu thị BRG, GO, Big C, WinMart cho biết, hiện nay sức mua đang phục hồi khá tốt. Do đó, các nhà bán lẻ này đang tập trung mở rộng hệ thống điểm bán, tìm kiếm nguồn hàng, nâng cao chất lượng phục vụ, duy trì giá bán ổn định và nâng cao doanh số.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục sức mua, trong đó việc hiểu và thích ứng với hành vi tiêu dùng mới là yếu tố quan trọng. Kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có khối lượng nhỏ, chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý.
Bên cạnh những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan cần thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng thời cả bên cung và cầu.
Cụ thể, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà máy sản xuất kinh doanh thông qua chính sách tài khoá, tiền tệ, đặc biệt là vào thời điểm mùa mua sắm cao điểm cuối năm và các dịp lễ sắp tới, như giảm thuế, hỗ trợ cho lao động dễ bị tổn thương… chính là đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó kích thích tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá, và giảm thuế giá trị gia tăng...
Mới đây, trong chỉ thị mới ban hành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kết nối cung cầu, đồng thời khuyến khích các sàn thương mại điện tử triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính được giao phối hợp để nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử, nhằm giảm sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước.
Ngân hàng Nhà nước được chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, đồng thời nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng và dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống.
Với những giải pháp đồng bộ này, các doanh nghiệp hy vọng sức mua sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
An Mai (t/h)Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.