Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi như thế nào?

Ngày 17/11/2010, Quốc hội Khóa XII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) - Luật số 59/2010/QH12. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 là sự kế thừa, phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm còn hạn chế của Pháp lệnh BVQLNTD năm 1999. Đến nay, sau gần 9 năm thực thi, Luật BVQLNTD và các văn bản hướng dẫn đã góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NTD.

    Để hiểu rõ những ảnh hưởng tích cực của Luật BVQLNTD đối với các đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Luật, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị sẽ cùng Quý độc giả đánh giá những ưu điểm của Luật số 59/2010/QH12 so với các quy định trước đó về BVQLNTD, để từ đó giúp cho việc BVQLNTD  được tốt và toàn diện hơn.


     


    Những hành vi bị cấm trong lĩnh vực BVQLNTD

    Theo Luật số 59/2010/QH12, những hành vi bị cấm trong lĩnh vực BVQLNTD, đó là: Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện những hành vi như lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che dấu thông tin về hàng hóa, dịch vụ, về uy tín, khả năng kinh doanh; cấm việc tiếp xúc, liên hệ trái ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên; cấm các hành vi quấy rối người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến công việc và đời sống…

    Việc quy định cụ thể và đầy đủ hơn về các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong Luật BVQLNTD sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người tiêu dùng được bảo vệ đầy đủ hơn. Đồng thời, ràng buộc chặt chẽ hơn các trách nhiệm liên quan đến BVQLNTD của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

    Trách nhiệm ràng buộc của bên thứ 3 đối với NTD

    Một điểm mới quan trọng trong Luật số 59/2010/QH12, đó là quy định về trách nhiệm ràng buộc đối với bên thứ 3 trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Bên thứ 3 ở đây có thể hiểu là những đơn vị truyền thông, quảng cáo về hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh tới người tiêu dùng.

    Theo đó, Luật quy định khá chi tiết trách nhiệm của bên thứ ba về các vấn đề như: Phải bảo đảm chính xác, đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp; yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp chứng cứ chứng minh tính xác thực và đầy đủ của thông tin; chịu trách nhiệm liên đới trong việc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác; từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý trong trường hợp hành vi sử dụng có khả năng quấy rối người tiêu dùng...

    Đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu

    Căn cứ theo tình hình thực tế có rất nhiều giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện thông qua các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung do tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương soạn thảo và áp dụng với nhiều NTD. Việc đưa ra các quy định điều chỉnh quan hệ hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và NTD giúp khắc phục vị thế yếu thế của NTD khi thương lượng, giao kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, Pháp lệnh BVQLNTD năm 2009 cũng như Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh lại chưa đề cập, chưa có những quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề này.

    Khắc phục điều này, Luật số 59/2010/QH12 đã quy định khá đầy đủ việc đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng thời kỳ. Quy định này không chỉ giúp bảo vệ NTD trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn giúp cơ quan Nhà nước về BVQLNTD có thể kiểm soát được việc ban hành và sử dụng các hợp đồng đối với những hàng hóa, dịch vụ mang tính “nhạy cảm” đối với NTD.

    Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với NTD

    Kế thừa những ưu điểm của Pháp lệnh BVQLNTD năm 1999, đồng thời căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế về BVQLNTD, Luật số 59/2010/QH12 đã đưa ra những quy định mới và chặt chẽ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD. Theo đó, Luật đã có những quy định mới, tập trung vào vấn đề trách nhiệm bảo hành và thu hồi hàng hóa có khuyết tật, bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra cho NTD.

    Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành đối với hàng hóa do mình cung cấp, trong thời gian bảo hành phải cung cấp cho NTD hàng hóa tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được NTD chấp nhận, phải chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển hàng hóa, linh kiện được bảo hành… Đối với hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành thu hồi và báo kết quả với cơ quan quản lý Nhà nước về BVQLNTD.

    Những quy định nêu trên trong Luật số 59/2010/QH12 không chỉ giúp BVQLNTD tối đa, qua đó còn góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp.

     (Ảnh minh họa)

    Vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi NTD

    Bên cạnh sự kế thừa các nguyên tắc về hoạt động, quyền, nghĩa vụ của tổ chức BVQLNTD của Pháp lệnh năm 1999, Luật số 59/2010/QH12 cũng đã có thêm những quy định mới nâng cao vai trò của tổ chức bảo vệ NTD, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ NTD, như: Quy định quyền tự khởi kiện vì lợi ích công cộng của tổ chức BVQLNTD; quy định tổ chức BVQLNTD được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi tổ chức này thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.

    Giải quyết tranh chấp giữa NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

    Luật số 59/2010/QH12 đã dành riêng một Chương quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án.

    Đặc biệt, với phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án, Luật đã có quy định rất tiến bộ trong việc quy định tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD trong trường hợp vụ án dân sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng và có đủ các điều kiện theo quy định tại luật.

    Việc quy định một trình tự rút gọn, đơn giản so với quy trình, thủ tục khởi kiện tại tòa án theo pháp luật về tố tụng dân sự truyền thống sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho NTD. Đồng thời, quy định này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc BVQLNTD của các cơ quan quản lý nhà nước.

    Bên cạnh các phương thức giải quyết tranh chấp trên, trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về BVQLNTD của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhiều NTD, lợi ích công cộng thì NTD, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.

    Về việc miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi cho NTD

    Luật số 59/2010/QH12 cũng đưa ra quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí cho NTD khi tiến hành khởi kiện các tổ chức cá nhân vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    Quy định này xuất phát từ vị trí yếu thế của NTD trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trong hầu hết các vụ vi phạm, NTD hầu như không thể chứng minh được lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ do thiếu kiến thức, phương tiện, năng lực tài chính.

    Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để điều chỉnh chính sách về BVQLNTD

    Hiện nay, sau gần 9 năm thi hành, Luật BVQLNTD - Luật số 59/2010/QH12 - đã xuất hiện những bất cập. Đáng lưu ý là hầu hết các quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính truyền thống, mà chưa tính tới một số phương thức mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử.

    Để khắc phục những bất cập của Luật số 59/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn hiện hành, trong thời gian tới, các Bộ, ngành nên chăng cần rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật BVQLNTD, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

    Bên cạnh đó, NTD cũng cần trang bị các kiến thức, kỹ năng và thông tin cần thiết, đủ tự tin để thực thi các quyền của mình.

    Nguyễn Hạnh (PT&TH)

    Ý kiến của bạn
    Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

    Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.