Người trẻ Hàn Quốc và phong cách làm giàu kiểu mới: 'Tôi thà mua một chiếc túi Chanel còn hơn là đầu tư vào thị trường chứng khoán!'
Khi giá nhà ở Hàn Quốc đang tăng cao, những người ở độ tuổi 20-30 có thể cảm thấy rằng họ không đủ khả năng để sở hữu một căn nhà. Thay vào đó, họ chi tiêu số tiền tiết kiệm vào những thứ có thể tận hưởng ngay lúc này.
Ngay cả khi đại dịch ở thời điểm căng thẳng nhất, người Hàn Quốc cũng không tích trữ thịt bò, giấy vệ sinh hay thức ăn cho thú cưng. Thay vào đó, họ có một thói quen mới khác: xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng hạng sang từ 5h sáng để mua những món đồ như ví Chanel trị giá 9.500 USD.
Bắt đầu từ năm ngoái, người trẻ Hàn Quốc đã tham gia vào "cuộc đua" mua hàng hiệu ngay lúc cửa hàng mở cửa trước khi món hàng của thương hiệu Pháp tăng giá. Kể từ đó, phong cách mua sắm này cũng được họ áp dụng ở những nhà mốt khác.
Xu hướng điên cuồng mua hàng hiệu ở các cửa hàng trong nước bắt đầu khi đại dịch khiến người dân không thể ra nước ngoài mua sắm. Hơn nữa, họ cũng nắm giữ một khoản tiền chưa chi tiêu cho các dịch vụ buộc phải đóng cửa trong thời gian phong toả. Chanel tại Hàn Quốc đã tăng giá một số mặt hàng tới 4 lần trong năm nay, nhưng thậm chí nhu cầu còn bị đẩy lên cao hơn.
Cho Eunbi (31 tuổi) - một người mua sắm đến từ Seoul, cho biết: "Mức giá hiện tại sẽ là rẻ nhất mà bạn từng thấy vì thương hiệu này sẽ tiếp tục tăng giá. Mọi người dường như sẽ còn muốn sở hữu đồ Chanel hơn nữa vì dù có khả năng chi trả, thì vẫn rất khó để sở hữu món đồ mong muốn."
Theo báo cáo của Euromonitor International, quốc gia châu Á này hiện là thị trường lớn thứ 7 đối với các thương hiệu xa xỉ, với doanh thu khoảng 14,2 tỷ USD trong năm nay, tăng 4,6% so với năm 2020. Chanel có 9 cửa hàng ở khắp Hàn Quốc nhưng nhưng quốc gia này chỉ chiếm khoảng 8,5% tổng doanh thu của công ty vào năm 2020.
Cho không thể tìm được mẫu túi mà mình mong muốn, do đó cô đã tìm đến những "reseller" (người bán lại). Các reseller này đã "ăn nên làm ra" trong thời gian vừa qua khi kinh doanh trên một sàn giao dịch đồ cũ online ở Hàn Quốc, họ dễ dàng kiếm tiền bằng cách bán lại các món đồ hiệu.
Một trong những reseller đó là Lana Park (59 tuổi). Bà chưa bao giờ tưởng tượng được đây sẽ là một công việc phụ sinh lời lớn đến vậy, khi kiếm được 300.000 won (254 USD) nhờ bán một chiếc túi xách Chanel. Trong khoảng 1 năm qua, bà đều xếp hàng trước cửa Chanel để "săn hàng", rời khỏi nhà từ lúc 4h sáng và cố gắng đến nhiều cửa hàng Chanel trong 1 ngày.
Park chia sẻ: "Tôi làm việc này ban đầu là vì thích mua sắm. Nhưng thị trường đã trở nên điên rồ trong năm qua khi có nhiều người bán lại hàng và ‘độn giá’ đến mức phi lý."
Nhằm hạ nhiệt nhu cầu đang quá nóng và ngăn chặn phần nào hoạt động resell, Chanel đã giới hạn số lượng sản phẩm được mua vào tháng 10. Khách hàng ở Hàn Quốc chỉ được mua một trong những chiếc túi Classic Flap Bag và Coco Handle mỗi năm.
Trong năm nay, doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ ở các cửa hàng bán lẻ tại Hàn Quốc tiếp tục tăng, cao hơn 45% so với nửa đầu năm 2020. Lee Eunhee - giáo sư nghiên cứu về người tiêu dùng tại Đại học Inha ở Incheon, cho biết thế hệ Y và Z là nhóm chi tiêu chính, vì họ không muốn bản thân bị lỗi thời và sống theo phong cách hưởng thụ thời điểm hiện tại.
Lee nói: "Chanel làm hài lòng những người thuộc thế hệ Y và Z theo nhiều cách. Họ có được niềm vui khi sở hữu một món đồ khan hiếm, đồng thời có thể kiếm lời thông qua việc bán lại."
Khi giá nhà ở Hàn Quốc đang tăng cao, những người ở độ tuổi 20-30 có thể cảm thấy rằng họ không đủ khả năng để sở hữu một căn nhà. Thay vào đó, họ chi tiêu số tiền tiết kiệm vào những thứ có thể tận hưởng ngay lúc này.
Giá trung bình của 1 căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi từ 607 triệu won vào tháng 5/2017 lên 1,24 tỷ won vào tháng 11 năm nay, theo KB Financial Group. Đó là gánh nặng lớn đối với những người Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 với thu nhập trung bình hàng tháng duới 3 triệu won.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng Chanel sẽ tiếp tục tăng giá trong năm tới. Riêng năm nay, giá của một chiếc túi "flap bag" cỡ trung bình đã tăng khoảng 30% lên 11,24 triệu won. Một chiếc flap bag cỡ mini của Chanel có giá 3,24 triệu won vào tháng 7/2017 và hiện là 5,39 triệu won, tăng 66%. Trong cùng thời gian này, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 25%.
Han Ji-min - người đã chi thêm 200.000 won để mua chiếc ví da Chanel từ reseller, là một trong những người thuộc thế hệ Y không hề nản lòng trước những đợt tăng giá liên tục của Chanel. Thay vào đó, cô cho rằng đây là khoản đầu tư an toàn nhất mình có thể thực hiện.
Han - 30 tuổi làm việc tại một công ty luật, nói: "Đáng lẽ ra tôi nên mua một chiếc túi Chanel từ vài năm trước, chứ không phải đầu tư chứng khoán. Tôi còn kiếm được nhiều tiền hơn nhờ chiếc túi đó."
Tham khảo Bloomberg
Vu LamCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.