Người Việt đang dành 13 tiếng/tuần để mua hàng qua livestream
Theo bà Dương Hồng Mỹ Linh, Quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng Nielsen IQ, trong năm vừa qua, trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua hàng qua livestream. Hình thức này được ưa chuộng nhờ mức độ dễ dàng tương tác...
Ngày 24/4, Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2024) đã diễn ra tại TP HCM với chủ đề "Thương mại điện tử bền vững" do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức đã quy tụ nhiều doanh nghiệp và chuyên gia.
Theo ông Bùi Huy Dũng, Giám đốc điều hành Accetrade Việt Nam, trong những năm gần đây thị trường livestream Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về cả chất và lượng. Trong đó shopping livestream (mua sắm qua livestream) đang là hình thức phổ biến nhất trong các loại hình livestream hiện nay, chiếm tới 62%.
"Bên cạnh đó, mua sắm trực tuyến qua livestream còn có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026"- ông Dũng nói.
Khảo sát của Accetrade, tại Việt Nam có ba nền tảng livestream phổ biến nhất gồm Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,25). Ước tính, bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán.
Ông Dũng cũng dẫn số liệu được thực hiện bởi nền tảng Cốc Cốc chỉ ra có tới 77% người tham gia khảo sát đã từng xem livestream bán hàng, 71% trong đó có mua hàng trong phiên livestream.
Đồng quan điểm với những thông tin từ Accetrade, bà Dương Hồng Mỹ Linh, quản lý cao cấp bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng NielsenIQ, nhận định thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang rất tiềm năng.
Theo bà Linh, trong năm vừa qua, trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua hàng qua livestream. Hình thức này được ưa chuộng nhờ mức độ dễ dàng tương tác để biết thêm thông tin (chất liệu, tính năng..); quan sát chi tiết về sản phẩm; mang tính giải trí... Khảo sát của đơn vị này còn chỉ ra có tới 95% đáp viên cho biết họ đã từng mua sắm trực tuyến qua hình thức livestream trong suốt 3 tháng qua.
Con số này cho thấy phương thức livestream đang dần trở nên quen thuộc đối với tiêu dùng Việt Nam. Và động lực đầu tiên để mua hàng của nhóm khách hàng này chính là những ưu đãi, khuyến mãi.
Cũng trong quý I vừa qua, người Việt "chi bạo" hơn cho mua sắm trực tuyến, vượt xa dự báo của các sàn. Tính chung 5 sàn lớn nhất gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop, nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric cho biết doanh thu bán lẻ quý I tổng cộng đã cán mốc 71.200 tỷ đồng, tăng trưởng đến 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, 766,7 triệu đơn vị sản phẩm đã được giao thành công tới người tiêu dùng, tăng 83,21%. Các dữ liệu này được Metric độc lập thu thập sau khi đã loại bỏ các hàng hóa ở dạng dịch vụ, quà tặng có sản lượng bán bất thường, đơn ảo và chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream.
Theo báo cáo, kết quả vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường thương mại điện tử 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023.
Nguyên nhân tăng trưởng mạnh được cho là nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa được triển khai, người dân có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn và mua sắm online đang ngày càng trở thành thói quen tiêu dùng thường nhật. Ngoài ra, tăng trưởng của bán lẻ trực tuyến cũng phù hợp với đà hồi phục của ngành bán lẻ nói chung.
Huyền My (t/h)Trong báo cáo vừa công bố, tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế FTSE Russell chưa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổ chức xếp hạng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tiêu chí nếu muốn đạt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025.