Người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng
Theo khảo sát của Nielsen IQ Việt Nam, bình quân mỗi 1 người dành ra tới 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng. Đồng thời, người tiêu dùng Việt cũng lọt top 11 thế giới về mua hàng online.
Livestream tiếp tục làm nên cuộc cách mạng trong trải nghiệm mua sắm trực tuyến tại Việt Nam khi các nền tảng thương mại điện tử chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể thời gian qua.
3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook, Shopee và TikTok. Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream với hơn 50.000 nhà bán. Doanh số của 5 sàn giao dịch phổ biến đạt trung bình 25.300 tỷ đồng, tương đương với khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng.
Minh chứng rõ nét nhất trong tuần lễ diễn ra Online Friday 2024 vừa qua, chỉ riêng trên nền tảng TikTok Shop đã ghi nhận hơn 900 phiên livestream bán hàng trên TikTok Shop đã được thực hiện. Tổng số lượt xem các nội dung có gắn hashtag #OnlineFriday và #TuHaoHangViet là 1,8 tỷ lượt.
Nhờ không gian liền mạch giữa mua hàng và giải trí giúp người dùng có thể tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức, cộng với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn, khiến việc mua sắm qua livestream được xem là xu hướng nổi bật trên các sàn thương mại điện tử trong những năm tới.
Nhiều phân tích chỉ ra, việc mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026. Người Việt sẵn sàng dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng, rút “hầu bao” mua hàng online đứng thứ 11 thế giới.
Tuy nhiên, có một thực tế đó là với sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống thương mại điện tử, logistics, hàng nhập khẩu… khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Giới chuyên gia nhận định, không có một công thức chung cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khi bán hàng ra thế giới. Vấn đề cần phải bảo đảm đó là kiểm soát chất lượng các đơn hàng. Đây là thế mạnh và cơ hội cho hàng Việt.
Theo đó, thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh, ví dụ với nông sản là các sản phẩm OCOP. Việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử lẫn thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, để tăng sự cuốn hút, nhiều đơn vị tận dụng sức mạnh của KOL và KOC - những người có tầm ảnh hưởng. Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, KOL, KOC có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng và hành trình mua sắm của người tiêu dùng tại Việt Nam. Khoảng 50% người tiêu dùng cho biết, quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các KOL và KOC.
Khác với hình ảnh sản phẩm được chỉnh sửa kỹ lưỡng trên website hay app bán hàng, các phiên livestream mang đến trải nghiệm chân thực, giúp người xem cảm nhận rõ về sản phẩm, từ chất liệu, kiểu dáng đến màu sắc, bởi thế đã có rất nhiều người mua hàng.
Huyền My (t/h)Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.