Nguồn cung đủ nhưng giá phân bón khó có thể “hạ nhiệt”

Nhịp đập thị trường
10:13 AM 09/02/2023

Hiện nguồn cung phân bón vẫn dồi dào, nhưng giá phân bón khó có thể “hạ nhiệt” trong năm 2023 do đặc thù phụ thuộc phần lớn vào diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Với công suất sản xuất các loại phân bón quan trọng như đạm ure, NPK và phân bón chứa lân của các nhà máy trong nước đều vượt nhu cầu tiêu thụ, nguồn cung phân bón trong nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ Đông Xuân 2022-2023 được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, bước sang năm 2023 ngành phân bón sẽ tiếp tục đối diện các vấn đề nóng chưa hồi kết. Đó là giá nguyên liệu thô tăng vọt, nguồn cung khí khan hiếm khắp từ châu Á sang châu Âu, chi phí đầu vào tăng đồng loạt thì giá bán phân bón năm nay khó có thể giảm.

Nguồn cung đủ nhưng giá phân bón khó có thể “hạ nhiệt” - Ảnh 1.

Giá phân bón khó có thể “hạ nhiệt” trong năm 2023. Ảnh: báo Chính phủ

Bên cạnh đó, với tình hình xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, Bộ Công Thương dự báo thời gian tới thị trường phân bón sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Đặc biệt, với phân kali do Nga và Belarus cung cấp chiếm gần 50% trong tổng nhu cầu của toàn thế giới. Trong khi đó, với loại phân bón này Việt Nam lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, xung đột Nga – Ukraine còn dai dẳng, an ninh năng lượng toàn cầu vẫn chịu thách thức. Sang đầu năm 2023, nguồn cung khí tiếp diễn khan hiếm nên giá cũng duy trì mức cao. Phân bón cùng chịu áp lực mà tăng theo. Giá bán ra không bù nổi chi phí đầu vào nên nhiều nơi phải cắt giảm sản xuất ammonia hoặc ure khiến nguồn cung phân bón thế giới thiếu hụt trầm trọng.

Tuy nhiên, hiện nay, tổng công suất các nhà máy nội địa dồi dào có thể đáp ứng xuất khẩu tốt, nên dư địa cho ngành phân bón còn nhiều và giá trị sẽ tăng trong đầu năm 2023.

Trao đổi với báo chí, ông Phùng Hà, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6 - 1,8 triệu tấn/năm. Với phân bón chứa lân và phân tổng hợp NPK, công suất sản xuất trong nước cũng vượt xa nhu cầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân DAP và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước.

“Mặc dù thời điểm này, giá phân bón đang giảm so với năm 2022 nhưng vẫn neo ở mức cao và hoàn toàn phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới cũng như diễn biến của xung đột Nga – Ukraine” – ông Phùng Hà nhận định.

Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo cho thị trường phân bón thế giới trong năm 2023.

Kịch bản thứ nhất, IFA dự đoán nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023 và đạt 194,6 triệu tấn vào năm 2026, nghĩa là nhiều hơn 2 triệu tấn so với năm 2019, nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với mức năm 2020.

Ở kịch bản trung bình, nhu cầu phân bón thế giới ở mức 202,1 triệu tấn vào năm 2026.

Ở kịch bản lạc quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ đạt 211,1 triệu tấn vào năm 2026.

Tuy nhiên, trong cả ba kịch bản này, IFA cũng cho rằng rất ít khả năng giá phân bón sẽ giảm xuống thấp hơn vào năm 2023.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn