Nguồn cung lao động ngành logistics chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu

Kinh doanh
11:32 AM 23/03/2024

Mặc dù được đánh giá là ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển lớn, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, nhưng nguồn nhân lực của ngành logistics (dịch vụ hậu cần) chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.

Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về địa kinh tế, rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Chính bởi vậy, để tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành này thì đòi hỏi cần có một nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Nguồn cung lao động ngành logistics chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo dự báo, trong 3 năm tới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ cần hơn 1 triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.

Tuy vậy, tại Hội thảo đánh giá kết thúc Đào tạo thí điểm module vận hành xe nâng tại Trường Cao đẳng Hàng Hải 1 mới đây, bà Vũ Thị Hải Vân, Chủ tịch LIRC cho biết, các công ty kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Trong khi đó, nguồn cung lao động hiện tại cho dịch vụ logistics chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), 50% số doanh nghiệp logistics có nhu cầu cần tuyển dụng thêm 15 - 20% nhân viên và đến năm 2030, Việt Nam cần đến hơn 200 nghìn nhân lực phục vụ cho ngành này, đó là chưa kể đến nhu cầu nhân lực logistics tại doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Trong khi đó, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy, quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp hiện nay. Có đến 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển.

Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…

Để nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo thành viên trong việc tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về chuyển đổi số và logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp các nội dung, hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực cho sinh viên về logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh, chuyển đổi số.

Hiện nay, các đơn vị đào tạo cung cấp nguồn nhân lực logistics ở cả bậc đại học và đào tạo nghề đều đang khá hạn chế về cơ sở vật chất thực hành kỹ năng cũng như đội ngũ giảng viên trình độ cao trực tiếp giảng dạy. Cùng với đó, cần phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng các bộ chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn nghề nghiệp đối với các vị trí công việc trong ngành; trong đó, hướng tới nhân lực có đủ kiến thức, năng lực và thái độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong điều kiện mới.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.