Nguồn nhân lực logistics mới đáp ứng 40% nhu cầu
Việt Nam đang có hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics nhưng nhân lực logistics mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.
Sáng 20/6, tại Hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số", TS Bùi Thái Quang, Viện trưởng Viện Hải quan - Thuế - Kho bạc, cho biết, Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam. Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành 1 trong 29 trung tâm logistics thuộc Chương trình hộ chiếu logistics thế giới.
Còn theo bảng xếp hạng Agility 2024, thị trường logistics Việt Nam đứng thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau 3 nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan, xếp trên Philippines, Myanmar và Campuchia.
Hiện các nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hoá đang ngày càng tăng. Lĩnh vực này đang tiếp tục có những nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là để đáp ứng xu hướng số hoá.
Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.
Với tốc độ phát triển nhanh của logistics, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam dự báo đến năm 2030, ngành logistics ở nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó cần khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Tuy nhiên, hiện tại, nguồn nhân lực của ngành logistics (dịch vụ hậu cần) chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết, hiện nay doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động chất lượng cao
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), 50% số doanh nghiệp logistics có nhu cầu cần tuyển dụng thêm 15 - 20% nhân viên. Trong khi đó, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.
Theo nhận định của các chuyên gia, tại Việt Nam hiện vẫn đang có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề, nhất là ở những ngành nghề mới, đòi hỏi lực lượng nhân lực có kỹ năng như logistics hay gần đây là chíp bán dẫn, khi các doanh nghiệp FDI đang có định hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực logistics, hay chíp bán dẫn gần như mới chỉ có vài trường có ngành đào tạo nhưng với số lượng rất ít. Việc mất cân đối trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo dẫn đến mất cân đối cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế.
TS Bùi Quý Thuấn, Trường Đại học Phenikaa thông tin, hiện nay tuyển sinh học đúng chuyên ngành logistics rất khó. Đào tạo chưa gắn liền với thực tiễn như kết hợp với doanh nghiệp, các mô hình, phương pháp giảng hiện nay chủ yếu là giảng "chay".
Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.