Nguy cơ cháy nổ do đốt vàng mã dịp Tết

Xã hội
02:01 PM 15/01/2021

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, nhu cầu cúng lễ của người dân cũng tăng cao. Việc đốt vàng mã vào những dịp đầu năm hay cuối năm cũng kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ gây tốn kém, ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy.

Quan niệm "trần sao âm vậy"

Tục đốt vàng mã đã tồn tại từ lâu và cũng bị phản đối với một bộ phận người dân. Từ lâu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị các Phật tử và bà con loại bỏ tục đốt vàng mã.

Nhưng vẫn quan niệm xưa cũ, đặc biệt vào dịp Tết, người dân thường đua nhau đốt vàng mã, có người thuê cả xe tải để chở vàng mã về nhà, về chứa cúng, đốt. Có nhà mất cả trăm triệu, cả chục triệu, ít cũng vài triệu nhưng cũng có nhà "xanh mặt" bởi những vụ cháy, nổ do việc đốt vàng mã gây ra.

Chị Phạm Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) còn nhớ như in cái Tết 2020 vừa qua khi gia đình chị được "bà hỏa" hỏi thăm mà thủ phạm chính là do đốt vàng mã.

"Đúng hôm mùng 3 Tết khi đang ăn cơm thì cả nhà phát hiện ngọn lửa bốc lên rồi lan rộng kèm theo làn khói đen kịt từ tầng tum của gia đình. Ngay sau đó, mọi người trong nhà cùng người dân xung quanh vội vàng dập lửa nhưng do trời hanh cộng với gió to, lửa nhanh chóng lan ra cháy toàn bộ tầng tum của ngôi nhà. Cả nhà được phen hốt hoảng", chị Hoài kể lại.

Còn đối với anh Vũ Đức Chung (công nhân Công ty Honda Việt Nam, Vĩnh Phúc) cũng được phen hú vía khi đốt vàng mã gần đường dây điện, gây ra vụ chập điện, cháy nổ khiến cả khu phố mất điện cả đêm.

Anh Chung cho biết: "Hôm đó được vợ giao nhiệm vụ đi đốt vàng mã để hóa vàng sau 3 ngày Tết, tìm mãi chẳng thấy chỗ nào hợp lý, cuối cùng tôi đem hóa chỗ bãi đất trống. Chẳng may, khi gió to, ngọn lửa lan mạnh đến đường dây điện hạ thế gây cháy nổ. Tôi phải báo ngay cho điện lực đến xử lý nhưng cũng sợ hú vía, chút nữa cũng đi theo "ông bà, ông vải" rồi".

photo-1610683118488

Vụ cháy lớn tại phố Hào Nam (Hà Nội) do hóa vàng dịp Tết. Ảnh Thái Ngân

Thực tế, phong tục thờ cúng tổ tiên là một truyền thống văn hóa tâm lý có từ lâu đời của người Việt ta, cùng với đó là việc thắp hương, thắp nến, đốt vàng mã, nhất là vào các ngày Tết cổ truyền hay các lễ hội đầu xuân.

Tuy nhiên, theo Trung tá Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội), chỉ cần một chút lơ là, thiếu ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy là có thể dẫn đến hậu quả khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ngược lại, nếu mọi người cảnh giác, có kiến thức và tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy sẽ hạn chế thấp nhất những nguy cơ hậu quả có thể xảy ra.

"Thời điểm trong và sau Tết hay ở những lễ hội đầu xuân việc thắp hương, đốt vàng mã của người dân tăng cao. Dẫu biết là tục lệ, quan niệm truyền thống khó thay đổi nhưng nếu không cẩn thẩn sẽ gây ra cháy nổ, gây thiệt hại khó lường", trung tá Dũng nhấn mạnh.

Tục đốt vàng mã đang dần đi xa khỏi mục đích ban đầu

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội): tục hóa vàng mã hiện nay có nguồn gốc rất xa xưa nhằm mục đích gửi các đồ vật dụng thông thường cho người chết, vì người ta quan niệm rằng người chết sang một thế giới khác cũng như thế giới của người đang sống, cho nên khi người đó sống sử dụng cái gì, thì người ta chia một phần của những thứ đó táng theo.

Trong quá trình phát triển, tục đốt vàng mã đang dần đi xa khỏi mục đích ban đầu tốt đẹp của nó, và đến bây giờ thì đã trở nên thái quá. Ngày xưa các cụ dạy "lễ bạc tâm thành", đốt vàng mã là để con cháu nhớ đến tổ tiên, mong tổ tiên có được cuộc sống an lành ở thế giới bên kia, cầu mong và cũng là báo cho tổ tiên biết là con cháu sống yên ổn, ăn nên làm ra. Nhưng bây giờ ý nghĩa tốt đẹp đó đã nhường chỗ cho sự mê tín, khi nhiều người cho rằng càng đốt nhiều vàng mã thì càng được nhiều tài lộc; ganh đua nhau để đốt, "con gà tức nhau tiếng gáy"... dẫn đến tình trạng đốt vàng mã tràn lan, gây lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ.

"Điều nguy hại nhất không phải là kinh tế hay môi trường mà là tình trạng mê tín đang ngày càng bùng phát. Sự mê tín sẽ dẫn đến kém cỏi về mọi mặt", Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.

photo-1610683123234

Khi đốt vàng mã cần sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy. Ảnh minh họa

Theo khuyến cáo của lực lượng PCCC, người dân cần cẩn trọng việc thắp hương, nến thờ và hóa vàng. Khi có nhu cầu thắp hương, thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng lễ, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn phòng cháy.

Theo đó, phải cẩn trọng việc thắp hương, thắp nến thờ cúng và hóa vàng mã, thắp hương cách xa trần gỗ, xa các vật dụng dễ cháy và phải có người trông coi; không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có kích thước lớn như nhà lầu, xe hơi… để tránh nguy cơ gây hỏa hoạn; nên đốt vàng mã cách xa các vật liệu dễ cháy.

Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy ngầm. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy; bố trí nơi thắp hương, thờ cúng, các vật dụng, trang thiết bị trên bàn thờ bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan, khi sử dụng nến cần phải được kê trên các đế đỡ không cháy.

Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần bảo đảm an toàn PCCC về điện, dây dẫn bảo đảm cường độ dòng điện, hệ thống điện cần phải có át-tô-mát để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy. Tại các chợ phải có khu vực riêng cho việc đốt hương, thờ cúng tiểu thương. Tại các khu đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát loa tuyên truyền cho người dân đến lễ có ý thức chấp hành an toàn PCCC.

Trương Hưng
Ý kiến của bạn
Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng

Năm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.