Nguy cơ khan hiếm cà phê trên toàn cầu

Thị trường
07:37 AM 09/09/2021

Các biện pháp phong tỏa/giãn cách xã hội để chống Covid-19 đang làm giảm sút xuất khẩu cà phê cũng như ảnh hưởng đến việc thu hoạch cà phê ở Việt Nam – nước sản xuất và xuất khẩu robusta hàng đầu thế giới. Trong khi đó, tại Brazil – một nước cung cấp cà phê chủ chốt khác – cũng đang phải vật lộn với ảnh hưởng của cả hạn hán và băng giá, gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản lượng. Thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt cà phê nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, lo ngại về tình trạng khan hiếm cà phê trên toàn cầu gia tăng sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại làm ngừng trệ các hoạt động ở Việt Nam, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng cho mặt hàng này, đẩy giá tăng cao.

Giá cà phê robusta trên sàn London hiện đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 4 năm, với hợp đồng kỳ hạn tham chiếu phiên 7/9 đạt 2.123 USD; arabica cũng gần chạm 2 USD, đạt 1,9395 USD/lb.

Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có cảng biển chính, cũng là một một trung tâm xuất khẩu lớn, đã bị phong tỏa nhiều tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus biến thể Delta, khiến cho các nhà xuất khẩu hết sức khó khăn trong việc vận chuyển cà phê tới các cảng biển để xuất khẩu ra thế giới. Trong bối cảnh giá cà phê trước đó đã tăng mạnh do thời tiết xấu ở Brazil, sự chậm trễ xuất khẩu cà phê từ Việt Nam đe dọa làm cho mặt hàng này tăng giá mạnh thêm nữa.

Carlos Mera, một nhà phân tích của Rabobank, thông tin cho Financial Times biết: "Rất đáng lo ngại vì (nhà xuất khẩu) không thể vận chuyển cà phê ra thế giới".

Các kho cảng cà phê tại TP.HCM và các tỉnh lân cận do phải kéo dài lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 15/9/2021, nên có nhiều khả năng phải chờ tới cuối tháng 9/2021 thị trường cà phê trong nước mới trở lại bình thường.

Xuất khẩu cà phê trong tháng 8/2021 ước tính đạt 105 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với tháng 7/2021, nhưng so với tháng 8/2020 tăng 4,8% về lượng và tăng 12,3% về giá trị. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,07 triệu tấn, trị giá 1,99 tỷ USD, giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, là nhà sản xuất và xuất chủ chốt cà phê robusta - một loại hạt cà phê có vị đắng được sử dụng chủ yếu trong cà phê hòa tan và một số loại cà phê espresso. Việc xuất khẩu cà phê Việt Nam bị ảnh hưởng tác động tới nguồn cung cà phê trên toàn cầu.

Dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam nguy cơ gây khan hiếm cà phê trên toàn cầu - Ảnh 1.

Giá cà phê tăng mạnh (Nguồn: Refinitif)

Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam đã có kiến ​​nghị Chính phủ cấp giấy đi đường cho hội viên hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu để tránh việc doanh nghiệp xuất khẩu phải bồi thường cho khách hàng do việc giao hàng bị chậm trễ. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm giải pháp tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, bao gồm cà phê và gạo.

Nguồn cung cà phê toàn cầu năm nay vốn đã bị đe dọa sụt giảm nhiều bởi ngành cà phê Brazil đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với nguy cơ sản lượng của Brazil giảm mạnh do khô hạn và băng giá trong bối cảnh giá cước tăng cao, các nhà xuất khẩu cà phê gặp nhiều trở ngại trong việc thuê tàu chở hàng và container khiến các doanh nghiệp giao hàng không đúng hẹn và giảm thiểu khả năng luân chuyển dòng tiền, ảnh hưởng xấu đến tài chính của họ.

Ibi Idoniboye, nhà phân tích thị trường cấp cao của Mintec thông tin với phóng viên của The Guardian cho hay: "Vào đầu mùa cây cà phê ra hoa ở Brazil năm nay – cho quả thu hoạch vào vụ 2021-22, hiện đang thu hoạch - thời tiết rất khô hạn, do đó cây không thể ra hoa nhiều và đậu quả sai, khiến sản lượng đang thu hoạch thấp hơn mọi năm".

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của quốc gia Nam Mỹ này trong tháng 7/2021 đạt hơn 402,7 triệu USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2020 do các vấn đề logistics trong ngành vận tải hàng hải thế giới. Theo Cecafe, xuất khẩu cà phê Brazil trong giai đoạn từ tháng 1-7/2021 đạt hơn 23,3 triệu bao với giá trị 32, tỷ USD, chỉ tăng nhẹ tương ứng 2,2% và 7% so với cùng kỳ năm trước.

Vào cuối tuần qua, Mato Grosso do Sul và các khu vực khác thuộc miền Trung Brazil đã có chút mưa, giúp giảm bớt tình trạng khô hạn. Tuy nhiên, các khu vực trồng cà phê trọng điểm của Minas Gerais và Sao Paulo vẫn tiếp tục đợt hạn hán kéo dài từ nhiều tháng nay.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2021/22 sẽ giảm 13,6 triệu bao xuống 56,3 triệu bao (1 bao = 60 kg), trong khi tiêu thụ nội địa dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 23,7 triệu bao. Với nguồn cung giảm, xuất khẩu cà phê từ nước này dự kiến ​​sẽ giảm 9,0 triệu bao xuống 32,0 triệu và tồn kho cuối niên vụ dự báo giảm 2,5 triệu bao xuống 1,5 triệu bao. Trong đó, sản lượng arabica dự báo sẽ giảm 14,7 triệu bao so với niên vụ trước xuống 35,0 triệu bao do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Phần lớn các khu vực sản xuất đang ở trong năm cuối của chu kỳ sản xuất hai năm một lần, dẫn đến khả năng sản lượng trong vụ sắp tới sẽ ít đi.

Cơ quan Khí tượng học Somar đã dự đoán thời tiết khô hạn cùng với nhiệt độ cao ở các khu vực trồng cà phê chính của Brazil sẽ còn tiếp diễn trong hai tuần tới. Bên cạnh đó, những đợt băng giá vừa xảy ra ở nước này sẽ ảnh hưởng tới vụ mùa cà phê năm sau.

Trong khi đó, tại Colombia, nước xuất khẩu arabica lớn thứ hai thế giới, mây mù cũng đang ảnh hưởng đến vụ mùa hiện tại, và dự báo tình trạng thời tiết này sẽ còn tiếp tục kéo dài. Chiến dịch phong tỏa chóng Covid-19 ở Việt Nam cũng chưa kết thúc. Với những yếu tố trên, giá cà phê dự báo sẽ còn duy trì ở mức cao, thậm chí có thể tăng thêm nữa trong ngắn hạn.

Tham khảo: Business Insider , invezz.com

Vũ Ngọc Diệp
Ý kiến của bạn