Nguy cơ ‘sốt’ giá sôcôla và mỹ phẩm do giá dầu cọ đã vượt 1.000 USD/tấn
Giá dầu cọ tăng như vũ bão có thể làm tăng chi phí tất cả mọi thứ, từ nhà hàng đến các nhà sản xuất bánh kẹo và mỹ phẩm, thậm chí có thể làm thay đổi thói quen tiêu dùng.
Dầu cọ - loại dầu ăn được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới đã tăng hơn 120% trong vòng một năm qua, hôm 5/5 có thời điểm vượt 4.500 ringgit (1.091 USD)/tấn.
Loại dầu thực vật nhiệt đới này được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm, từ sôcôla đến bánh ngọt, xà phòng, son môi và nhiên liệu sinh học. Đồng thời dầu cọ cũng được sử dụng rộng rãi ở các nhà hàng Châu Á.
Giá dầu cọ đã bị cuốn vào cơn lốc tăng giá hàng hóa toàn cầu, khi nhu cầu nông sản tăng mạnh do lo n gại về thời tiết và mùa màng ở Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu cọ lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ.
Dầu cọ, chủ yếu được sản xuất ở Indonesia và Malaysia, phổ biến đến mức có một nghiên cứu ước tính khoảng một nửa số sản phẩm đóng gói bán ở các siêu thị có chứa dầu cọ.
Mặc dù có những loại dầu có thể thay thế dầu cọ - như dầu đậu tương hay dầu hướng dương – nhưng giá của những sản phẩm thay thế này cũng đang tăng mạnh, trong bối cảnh giá hầu như tất cả mọi hàng hóa đều tăng đến mức gây lo ngại về nguy cơ lạm phát giá lương thực trên toàn cầu – hiện đã ở mức cao nhất trong vòng 7 năm.
Giá xuất khẩu dầu cọ và dầu đậu tương
Marcello Cultrera, nhà môi giới và phụ trách marketing của Phillip Futures ở Kuala Lumpur cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều này (giá tăng mạnh như hiện tại)", và "Giá cao sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến chi phí của các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, ít nhất là trong ngắn hạn."
Mặc dù mặt hàng dầu cọ đang đối mặt với nhiều sóng gió trên thị trường Châu Âu và Mỹ bởi lo ngại việc trồng cây cọ sẽ gây ra nạn chặt phá rừng, song giá loại dầu này vẫn tăng. Điều đó gần như chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất của các công ty như Unilever – đơn vị mua khoảng 1 triệu tấn dầu cọ, dầu hạt cọ và các chất dẫn xuất mỗi năm để sản xuất các sản phẩm như kem, mỹ phẩm và xà phòng. Đây là doanh nghiệp mua nhiều dầu cọ nhất trên thế giới.
Các công ty sử dụng dầu cọ làm nguyên liệu muốn chuyển sang dùng các loại dầu khác vào lúc này cũng không có nhiều cơ hội làm điều đó, bởi dù họ lựa chọn phương án nào thì chi phí sản xuất cũng vẫn cao.
Giá dầu đậu tương, loại dầu được tiêu thụ nhiều thứ 2 trên thế giới, đã tăng 150% trong vòng một năm qua, trong khi giá dầu hướng dương Ukraina tăng gấp đôi. Do đó, khoảng cách giữa giá dầu đậu tương và dầu cọ đã tăng lên tới 143,6 USD/tấn, cao nhất trong vòng 15 tháng.
Nguồn: Palmoilanalytics
Gnanasekar Thiagarajan, người phụ trách mảng chiến lược kinh doanh và phòng ngừa rủi ro của Kaleesuwari Intercontinental cho biết: "Việc giá tăng lên mức cao nhất mọi thời đại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thói quen của người tiêu dùng. "Tiêu dùng dự kiến sẽ giảm và nếu xu hướng tăng giá này tiếp tục duy trì, có thể sẽ có một sự thay đổi trong thói quen ăn uống, thậm chí sở thích ăn uống có thể thay đổi hoàn toàn".
Tuy nhiên, theo Atul Chaturvedi, chủ tịch Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi, tiêu dùng dầu cọ ở Ấn Độ đang gặp khó khăn rất lớn do đại dịch Covid-19 hoành hành nghiêm trọng nhất thế giới. Ấn Độ là một thị trường rất nhạy cảm với giá cả, nếu giá cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu.
Về triển vọng thị trường dầu cọ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng dầu cọ toàn cầu năm 2021/22 sẽ tăng so với năm nay, trong đó Indonesia chiếm phần lớn mức tăng. Tuy nhiên, thiếu lao động do Covid-19 vẫn là vấn đề nan giải của ngành dầu cọ.
Theo USDA, dầu cọ sẽ vẫn là loại dầu thực vật được tiêu thụ phổ biến nhất trên toàn cầu. Sản lượng tăng lên kéo giá giảm xuống sẽ giúp đẩy tăng nhu cầu từ Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và nhiều nước khác.
Mặc dù vậy, mặc dù sản lượng tăng vượt tiêu thụ song tồn trữ dầu cọ cuối vụ sẽ vẫn giảm vì tiêu thụ trong năm 2020/21 vượt qua mức sản lượng.
Cung cấp và tiêu thụ dầu ăn toàn cầu
Nguồn: USDA
Tham khảo: Fortune, USDA
Thu NgânCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.