Nguy cơ thiếu điện trong 5 năm tới - EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện
5 năm gần đây, nhu cầu điện tăng cao nhưng tăng trưởng nguồn điện giảm đáng kể. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh có thêm 5 Tổng Công ty điện lực tham gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện.
Nguy cơ thiếu điện
Do ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu phụ tải giai đoạn tới về cơ bản thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí khoảng 19%, thủy điện 18%, điện gió và mặt trời tầm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là nguồn khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, 5 năm gần đây, nhu cầu điện tăng cao nhưng tăng trưởng nguồn điện giảm đáng kể, bình quân chỉ đạt 8% một năm. Hai nguồn điện đóng góp lớn trong tỷ trọng cơ cấu nguồn là thuỷ điện và nhiệt điện than chỉ đạt bình quân lần lượt 5% và 10%.
Nguyên nhân là thủy điện đã khai thác gần hết; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Năng lượng tái tạo có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành nhưng tỷ trọng thấp. Nhiệt điện khí và dầu không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.
Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có 116 dự án nguồn điện cần đầu tư và đưa vào vận hành. Song thực tế hàng loạt dự án điện lớn đã không được thực hiện.
Cạnh đó, chính sách với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm đổi mới, nguồn lực đầu tư hạn chế, dàn trải. Các địa phương không có sự phối hợp trong triển khai dự án điện, một số nơi chưa nghiêm túc thực hiện quy hoạch được duyệt.... "Đây là nguy cơ thiếu điện trong 5 năm tới", ông Tuấn Anh nói.
Thị trường bán buôn, lẻ điện cạnh tranh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thị trường điện lực cạnh tranh phát triển qua 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh; bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh.
Kết quả hiện nay các khâu phát điện và khâu mua buôn điện đã vận hành theo cơ chế thị trường, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện.
Trong khâu phát điện đã tạo ra môi trường cạnh tranh. Số lượng các nhà máy điện tham gia thị trường điện đã tăng dần theo thời gian, nếu như năm 2012 mới chỉ có 32 nhà máy điện với tổng công suất là 9.200MW tham gia thị trường điện, thì đến nay đã tăng lên thành 100 nhà máy điện (tổng công suất đặt 27.711 MW).
Ở khâu mua buôn điện, EVN không còn giữ vai trò độc quyền, thay vào đó đã có thêm 5 Tổng công ty điện lực (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội, TP.HCM) tham gia mua điện, cũng như trực tiếp ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện. Các tổng công ty điện lực mua điện trực tiếp từ thị trường điện tăng từ 8,8 tỷ kWh năm 2018 lên tới 17,7 tỷ KWh và dự kiến tăng lên 24,6 tỷ kWh.
Khâu cuối cùng là bán lẻ điện cạnh tranh, hiện nay đang tiến hành thí điểm để đến năm 2024 thực sự có môi trường điện cạnh tranh hoàn toàn. "Theo đó, giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện. Về cơ bản, thị trường điện đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, thực tế thị trường cũng đã bộc lộ một số tồn tại, như tỉ lệ các nhà máy điện chưa tham gia thị trường điện còn lớn, hạ tầng chưa đáp ứng các yêu cầu, thị trường chưa đưa ra được tín hiệu để thu hút đầu tư vào ngành điện, chưa có cơ chế hấp dẫn để thu hút các khách hàng lớn tham gia thị trường bán buôn cạnh tranh", ông Tuấn Anh nói.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào ngành điện, nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả của các đơn vị điện lực đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ mạnh mẽ về thể chế, các cơ chế đi kèm về tổ chức, tài chính, cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân trong nước và ngoài nước.
Riêng trong lĩnh vực thị trường điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm củng cố hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh công khai, minh bạch có sự tham gia rộng rãi của các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế tư nhân và Nhà nước, đồng thời triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Hồng NhungCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.