Nguy cơ tồn kho 400 tấn tinh dầu quế
Tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn tinh dầu và ước tính hết vụ quế mùa xuân tháng 3 - 4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn. Giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn.
Thông tin trên được nêu trong công văn của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) gửi Chính phủ về quy định xuất khẩu mặt hàng tinh dầu quế theo quy định của Bộ Y tế.
Theo công văn, Việt Nam hiện là nước sản xuất và xuất khẩu quế hàng đầu thế giới. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 89.383 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022.
Hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 10.472 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Nhóm mặt hàng tinh dầu nói chung và tinh dầu quế nói riêng là nhóm hàng lưỡng dụng, hiện được sử dụng cho nhu cầu thực phẩm trên thế giới rất lớn; trong tương lai các cây gia vị khác của Việt Nam cũng có khả năng phát triển chế biến sâu là sản phẩm tinh dầu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế tại Lào Cai và Yên Bái hiện đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khi tất cả các loại tinh dầu đều phải áp dụng quy định về kinh doanh dược liệu.
Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BYT về việc bãi bỏ một phần quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT. Cụ thể bãi bỏ một số danh mục hàng hóa như: cam, gừng, chanh, quế chi, quế vỏ. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2021 được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược.
Việc này không phù hợp với điều kiện sản xuất, sản phẩm và thị trường tiêu thụ cũng như năng lực chế biến quy mô nhỏ lẻ của ngành chế biến tinh dầu quế Việt Nam hiện nay.
Thực tế, sản phẩm tinh dầu quế yêu cầu công nghệ chế biến và tạo thêm giá trị gia tăng. Đây là sản phẩm tận thu của cây quế, lá cành khi cắt tỉa (tỷ lệ sản xuất là 150 tấn lá cành cho ra 1 tấn tinh dầu) và không sử dụng làm thuốc mà chỉ được xuất khẩu làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống theo yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Do việc quy định và quản lý mặt hàng tinh dầu quế hiện nay theo các quy định trên đã gây khó khăn do doanh nghiệp muốn xuất khẩu mặt hàng này.
Tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn tinh dầu quế và ước tính hết vụ quế mùa xuân tháng 3-4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn. Giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn.
Từ vấn đề trên, VPSA cho rằng việc quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu tối đa, nhất là xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng và nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ giảm phát thải các bon, sinh kế của bà con dân tộc vùng cao.
VPSA kiến nghị xem xét tạo điều kiện cho tinh dầu quế được xuất khẩu theo kê khai doanh nghiệp, là nhóm thực phẩm hàng hóa xuất khẩu thông thường, mục đích sử dụng không phải làm nguyên liệu thuốc hay dược liệu.
Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng là tinh dầu quế tự nhiên để làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống thì các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo, tuân thủ theo đúng các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về các hàng hóa xuất khẩu.
Minh An (t/h)Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.