Nguyên liệu đầu vào giảm mạnh giúp giá thép 'hạ nhiệt'
Sau chuỗi ngày dài tăng "nóng" từ đầu năm, giá thép xây dựng trong nước đang có dấu hiệu "hạ nhiệt". Mỗi tấn thép được các doanh nghiệp sản xuất trong nước giảm 300.000-450.000 đồng/tấn.
Giữa tháng 5, loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thông báo điều chỉnh giảm giá thép, đặc biệt là thép xây dựng như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Thái Nguyên…. Đây là đợt giảm giá lớn nhất của thép trong nước sau chuỗi tăng giá 7 lần liên tiếp từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên đã có thông báo giảm giá thép cây 300.000 đồng/tấn, còn thép cuộn giảm mạnh hơn là 450.000 đồng/tấn. Phạm vi áp dụng giảm giá trên toàn quốc và mức này chưa bao gồm VAT.
Tương tự, Công ty Cổ phần sản xuất Thép Việt Đức cũng vừa tiến hành giảm 300.000 đồng/tấn cho các chủng loại thép cây, 450.000 đồng/tấn với thép cuộn. Giá mỗi tấn thép cuộn của doanh nghiệp này là 18,88 triệu đồng, còn giá thép thanh là 19,18 triệu đồng.
Thép Việt Mỹ cũng giảm giá 350.000 một tấn thép cuộn, còn các loại thép cây hạ 200.000 đồng một tấn (chưa gồm thuế VAT) từ cuối tuần trước.
Thép Thái Nguyên giảm 350.000-400.000 đồng mỗi tấn thép trơn CB240 D8 và D6 (đường kính 8 mm, 6 mm) và thép vằn CB400. Sau giảm giá, mỗi tấn thép trơn của doanh nghiệp này về còn 18,75-18,87 triệu đồng. Thép thanh vằn đường kính 10mm là 19,1-19,2 triệu đồng, còn đường kính 12 mm dao động 18,95 - 19,07 triệu đồng mỗi tấn. Các mức giá phụ thuộc vào phía người mua thanh toán nhanh hay chậm, và chưa gồm thuế VAT.
Sau đợt điều chỉnh này, mặt bằng giá thép giảm về bình quân 18,5-18,7 triệu đồng mỗi tấn, nhưng vẫn cao hơn khoảng 1,5-1,7 triệu đồng một tấn so với giữa năm ngoái.
Nguyên nhân giảm giá đợt này được hầu hết doanh nghiệp cho biết do giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào đang trong xu hướng đi xuống. Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy, hiện giá các nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm so với tháng 3 năm nay.
Cụ thể, trong báo cáo vừa công bố, VSA cho biết quặng sắt loại 62% Fe ngày 9/5 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4. Mức giá này cũng giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021. Ngoài ra, các mặt hàng như thép phế liệu, điện cực graphite, cuộn cán nóng HRC... đều có xu hướng giảm giá so với thời điểm giao dịch đầu tháng 4 năm nay.
Tính chung 4 tháng đầu năm, ngành thép sản xuất hơn 11,4 triệu tấn thép thành phẩm, tăng hơn 2% so với cùng kỳ 2021. Lượng thép tiêu thụ đạt gần 10,6 triệu tấn, trong đó xuất khẩu gần 2,5 triệu tấn (tăng trên 9% so với năm ngoái).
Trong năm nay, VSA cũng đưa ra nhận định ngành thép trong nước sẽ tăng trưởng 15-20%, do năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, đáng kể nhất là các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường vành đai... sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ.
Mặt khác, ngành thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trên thế giới (năm 2021, giá thép có thời điểm tăng tới 45-50% so với năm 2020).
HM (T/h)Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD và nhập khẩu đạt 329,1 tỷ USD.