Nguyên nhân khiến châu Á từ vị thế thành công trở nên "thất thủ" trong cuộc chiến chống Covid-19
Thách thức hiện nay là cải thiện tỷ lệ bao phủ vắc-xin của châu Á.
Dưới đây là màn đối thoại với nhà dịch tễ học Ben Cowling ở Hồng Kông về cách các chính phủ có thể khắc phục tình trạng lưỡng lự khi tiêm vắc-xin ở châu Á do phóng viên của Bloomberg Opinion thực hiện.
Clara Ferreira Marques (CFM): Bạn chỉ mới bắt đầu sự nghiệp của mình trong đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) năm 2003, và cuối cùng đã đến phía đông để nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị cho trận dịch tiếp theo, tại Đại học Hồng Kông. Nhóm của bạn đã mở rộng trong nhiều năm khi Covid-19 ập tới. Năm ngoái, điều gì xảy ra khi nhận ra rằng thời điểm bạn chuẩn bị từ lâu đã đến, nhưng không phải tất cả các đề xuất của bạn sẽ được chú ý?
Ben Cowling, Giáo sư tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Hồng Kông (BC): Giữa tháng 1 năm ngoái là lúc chúng tôi thực sự bắt đầu nghĩ rằng đây có thể là một đại dịch. Chúng tôi đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc về một số dữ liệu sớm nhất và phổ biến nó như một lời cảnh báo cho thế giới.
Khi tôi nói chuyện với bạn bè và cộng tác viên ở Châu Âu và Mỹ, họ dường như không nghĩ đó là một vấn đề lớn. Họ đã đánh giá mối đe dọa của mình và chưa thấy bất kỳ trường hợp lây nhiễm nào trong nước, vì vậy họ tiếp tục nghiên cứu bệnh cúm. Tại thời điểm đó, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng trước Covid-19, cố gắng tìm hiểu về sự lây truyền trước khi có triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và hơn thế nữa.
Một trong những chủ đề lớn đầu tiên chúng tôi quan tâm là khẩu trang. Tôi không nói rằng khẩu trang tạo nên sự khác biệt, nhưng chúng giúp giảm sự lây truyền. Đó là điều mà chúng tôi đã làm rất tốt ở Hồng Kông.
CFM: Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở Châu Á hiện đang chứng kiến số ca mắc bệnh cao hơn bao giờ hết. Điều gì khiến Châu Á, từ vị thế thành công trong công tác chống dịch đã phải chứng kiến số ca mắc gia tăng theo cấp số nhân?
BC: Chúng tôi đã thực sự làm tốt với chiến lược loại bỏ sự lây nhiễm. Nếu có sự lây nhiễm trong cộng đồng, chúng tôi giảm chúng xuống 0 bằng các biện pháp nghiêm ngặt, sau đó giữ ở mức 0. Nhưng thời gian trôi qua, mọi người cảm thấy mệt mỏi với các biện pháp và rất chật vật để duy trì chúng. Tôi không ngạc nhiên khi virus đang tìm đường xâm nhập trở lại.
Thách thức hiện nay là cải thiện tỷ lệ bao phủ vắc-xin của châu Á. Một số khu vực của châu Á có nguồn cung hạn chế cho đến nay, đó là một vấn đề. Còn một số khu vực có nhiều nguồn cung nhưng người dân đã chọn không tiêm vắc-xin. Điều đó sẽ kéo dài thời gian kết thúc đại dịch tại khu vực này.
Ở châu Âu và Bắc Mỹ, tiêm chủng đồng nghĩa với nhận thức rằng Covid-19 là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe, và đặc biệt là đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một khi bạn có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, các ca bệnh có thể không hoàn toàn giảm xuống mức 0, nhưng các bệnh viện cũng sẽ không bị quá tải nữa, vì đã có đủ sự bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương. Đó thực sự là lúc chúng ta có thể nói rằng đại dịch đã kết thúc. Đối với châu Âu và Bắc Mỹ, điều này sẽ sớm đạt được.
Còn đối với châu Á, có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Và vì virus vẫn đang hiện diện trên toàn cầu, vì vậy cho đến khi chúng ta có nhiều người được tiêm chủng hơn, nó vẫn sẽ tìm đường xâm nhập, cho dù đó là ở Hồng Kông, Singapore, đảo Đài Loan hay Trung Quốc đại lục.
CFM: Sự gia tăng mới nhất này đã ảnh hưởng đến các quốc gia có quy mô thu nhập không bền vững, với sự bùng phát đáng lo ngại ở những nơi giàu có hơn ở châu Á, như Đài Loan - phần lớn là do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Liệu những nơi có số ca vẫn thấp như Hồng Kông và Australia có thể tự mãn được bao lâu?
BC: Sự tự mãn là một vấn đề nghiêm trọng. Ở Hồng Kông, chúng tôi có sẵn rất nhiều loại vắc-xin. Bất kỳ người lớn nào cũng có thể tiêm vào ngay ngày mai. Nhưng họ không có cảm giác cấp bách để làm điều đó. Không phải mọi người không muốn tiêm chủng, mà là họ không thấy cấp bách. Sau khi khảo sát, chúng tôi phát hiện ra rằng khoảng 20% người chắc chắn không muốn tiêm phòng. 80% còn lại hoặc đã được tiêm phòng, hoặc đang có kế hoạch đến một lúc nào đó sẽ tiêm nhưng họ vẫn chưa thực hiện.
Một trong những lý do giải thích cho sự do dự này là ở Hồng Kông, việc tiêm chủng ngày nay không có lợi ngay lập tức, trái ngược với thời gian một hoặc hai tháng trước. Mọi người không có thẻ tiêm chủng - thứ mà được sử dụng thành công ở Israel. Thời gian cách ly sẽ được giảm xuống một chút nếu bạn đã tiêm phòng và được cho là đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh [so với khi chưa được tiêm chủng], nhưng có lẽ nó không đủ hấp dẫn để khuyến khích mọi người đi tiêm phòng ngay bây giờ.
CFM: Một lý do khác là lo sợ về những phản ứng bất lợi, ít nhất là được ghi nhận tại Hồng Kông. Điều này càng trở nên bất lợi sau khi thành phố này đã trải qua nhiều biến động chính trị trong hai năm qua?
BC: Tôi hiểu sự cần thiết phải minh bạch, nhưng khi không có bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa việc tiêm chủng và những lợi ích thiết thực thì điều đó không giúp ích được gì, và khiến mọi người nghĩ rằng sẽ có sự cố xảy ra ngay sau khi tiêm. Trên thực tế, các cơn đau tim và đột quỵ xảy ra, và nếu chúng ta có nhiều người được tiêm chủng, thì điều đó sẽ liên tục xảy ra với họ.
Những gì chúng ta biết từ những nơi khác trên thế giới là thực sự không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào đáng lo ngại sau khi tiêm. Ở Israel, họ đã tiêm hàng triệu liều BioNTech, xem xét rất kỹ lưỡng để tìm bằng chứng về tác dụng phụ của vắc-xin, nhưng đã không có bằng chứng nào cho việc đó.
CFM: Thật ngạc nhiên khi biết rằng nhóm người cao tuổi có mức độ tiêm chủng thấp nhất tại Hồng Kông, có lẽ một phần là do những lo ngại đó?
BC: Ở Hồng Kông, chúng tôi có khoảng 20% số người đã được tiêm liều đầu tiên, nhưng ở những người trên 80 tuổi, con số này chỉ là 3%.
Đối với những người trong cộng đồng người cao tuổi, dường như đã có rất nhiều thông tin sai lệch, khuyên mọi người không nên tiêm chủng nếu họ có những vấn đề sức khỏe dù là nhỏ nhất. Nhưng chúng ta đều đã chứng kiến ở phần còn lại trên thế giới một điều rằng vắc-xin có thể được sử dụng cho tất cả mọi người ở các trạng thái sức khoẻ khác nhau mà không xảy ra vấn đề gì. Có một lời khuyên khôn ngoan là hỏi bác sĩ cá nhân xem bản thân có đủ sức khỏe để tiêm phòng hay không. Tôi muốn bổ sung thêm rằng nếu bạn không thường xuyên gặp bác sĩ, không cần phải hỏi, vì khả năng cao là bạn sẽ phù hợp.
Đối với những người cao tuổi sống trong các viện dưỡng lão, họ thường là những người đầu tiên tiêm vắc-xin, nhưng không phải ở Hồng Kông. Các viện đã được cung cấp vắc-xin từ sớm nhưng có xu hướng giảm dần ở cấp độ tổ chức. Điều đó bất lợi vì dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào và bùng phát một lần nữa trong các khu chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thậm chí là cả các ca tử vong. Nhưng điều này hoàn toàn có thể tránh được.
CFM: Nếu chỉ có một số ít người kiên quyết phản đối vắc-xin, thì việc tiêm vắc-xin ở Hồng Kông và những nơi đang do dự khác sẽ như thế nào?
BC: Đề xuất của riêng tôi là đặt lịch trình kết thúc kiểm dịch đối với khách du lịch, chẳng hạn như sau tháng 9. Điều đó có nghĩa là Covid-19 sẽ sớm trở lại cộng đồng - và nếu điều đó xảy ra mà không có phạm vi bao phủ vắc-xin đủ rộng thì buộc phải áp dụng nghiêm ngặt hơn giãn cách xã hội, ngoại trừ những người đã được tiêm chủng. Đồng thời, chúng tôi ngay lập tức cho phép những người đã tiêm phòng bỏ qua kiểm dịch.
Những thay đổi về chính sách đó, với những lợi ích cho những người được tiêm chủng và thời gian rõ ràng, sẽ kích thích việc chủ động vắc-xin. Một khi mọi người nhận ra Covid sẽ quay trở lại và việc tiêm vắc-xin sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, điều đó sẽ tạo ra động lực lớn.
Nhưng có rất nhiều người nhiệt tình cho ý tưởng duy trì "Zero Covid" để triển khai bong bóng du lịch và không có kiểm dịch theo cả hai hướng. Zero Covid không cần bao phủ vắc-xin, nhưng cần có các biện pháp nghiêm ngặt trong thời gian dài hơn. Có những lợi thế kinh tế khi đi du lịch không cần kiểm dịch tại Hồng Kông, nhưng cũng có những bất lợi đi kèm với việc áp đặt kiểm dịch đối với những người đến từ phần còn lại của thế giới và các hạn chế mỗi khi các trường hợp bùng phát.
Mốc thời gian cụ thể và nới lỏng các chính sách dành cho những người được tiêm chủng, đó là con đường mà Hồng Kông có thể trở lại cuộc sống bình thường.
CFM: Nếu những thúc đẩy hành vi không đủ thuyết phục, thì các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp cận điều gì?
BC: Ở Mỹ và Châu Âu, tất cả mọi người hiện được đối xử như người trưởng thành và được phép đưa ra quyết định sáng suốt. Nếu họ chọn không tiêm chủng, đó là lựa chọn của họ. Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng khỏi những gì chúng ta đã thấy ở Ấn Độ hiện nay hay ở Ý và New York trong giai đoạn đầu của đại dịch. Vì vậy, nếu tỷ lệ tiêm chủng không đủ cao và Covid bùng phát, thì mức độ tiêm chủng thấp đó sẽ có một hệ lụy - giãn cách và phong tỏa xã hội có thể một lần nữa bị áp dụng. Điều đó cũng có thể khiến những người đang do dự chủ động tiêm vắc-xin.
Tuy nhiên, hiện tại, tôi không nghĩ có lý do để ép buộc bất cứ ai. Chỉ khi các quyết định của cá nhân ảnh hưởng đến mọi người thì chúng ta mới phải suy nghĩ lại và hiện tại thì điều đó không phải là trường hợp ở Châu Âu hay Mỹ.
Đối với các quốc gia khác ở Châu Á, tôi cũng sẽ làm theo lời khuyên tương tự.
CFM: Bạn đã làm việc với SARS, hậu quả của nó và bây giờ là đại dịch này, khi có rất nhiều sai lầm được thực hiện bất chấp những gì chúng ta đã biết. Chúng ta có được bảo vệ tốt hơn cho lần tiếp theo không?
BC: Nếu SARS là một loại virus giống như Covid-19, thì đó sẽ là một thảm họa. Chúng ta không có sự chuẩn bị tốt cho những gì có thể xảy ra, virus sẽ lây lan và chúng ta không có các công nghệ như mRNA.
Chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ vắc-xin - lần đầu tiên mRNA đã được sử dụng trong tiêm chủng hàng loạt - và chúng ta biết thêm nhiều điều về cách ngăn chặn tình trạng nhiễm bệnh như thế này, các lựa chọn khả thi là gì và chi phí của chúng. Nếu chúng ta đối mặt với một đại dịch coronavirus khác trong 5, 10, 50 năm nữa, tôi có thể nói rằng chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn nhiều và thậm chí có thể cố gắng ngăn chặn nó tại nguồn. Chúng ta cũng có thể sản xuất vắc-xin nhanh hơn.
Chắc chắn chúng ta đã học được rất nhiều về đại dịch này, đó là một phần lý do khiến chúng ta rất buồn khi thấy đợt thứ hai bùng phát tại Ấn Độ. Điều chúng ta vẫn cần lo lắng là một đại dịch từ một nguồn khác. Điều đó sẽ đặt ra những thách thức. như câu hỏi này đã đặt ra.
Đối với Covid-19, chúng ta đã có thể thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Theo Bloomberg
Mỹ LinhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.