Nguyên nhân khiến giá lúa gạo neo cao, khó 'hạ nhiệt'
Theo lý giải từ đại diện doanh nghiệp, các hợp đồng ký mới giá cao hơn các hợp đồng cũ, nguồn cung trong nước đang cạn, nên phải đẩy giá gạo lên để hút hàng về, khiến giá gạo trong nước sẽ bật tăng.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm giao dịch ở 468 USD/tấn, gạo 25% tấm 448 USD/tấn. Đầu tháng 2, giá gạo trên thị trường thế giới biến động mạnh. Giá gạo xuất khẩu tăng 15 USD/tấn so với tháng trước.
Tại thị trường trong nước, diễn biến thị trường lúa gạo ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn trái ngược với những gì các doanh nghiệp dự đoán mỗi khi vào vụ Thu Đông.
Theo nhiều nông dân, so với thời điểm vụ Hè Thu, tất cả giống lúa đều tăng từ 300 - 400 đồng/kg, so với cùng kỳ giá lúa tăng mạnh từ 500 - 1.000 đồng/kg. Càng vào vụ thu hoạch rộ gần đây, giá lúa càng tăng.
Thông thường, khi thu hoạch rộ lúa Thu Đông, giá lúa trên thị trường sẽ xuống thấp. Nguyên nhân là do lúc đó lượng lúa hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, nhưng hiện không có đủ gạo để cho doanh nghiệp mua. Ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, nông dân chưa thu hoạch lúa Đông Xuân trong khi đó vụ Thu Đông ở Bạc Liêu nông dân chỉ mới thu hoạch rộ và trễ vụ Đông Xuân so với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện một số hợp đồng của năm 2022 vẫn còn tồn đọng lại, các doanh nghiệp tranh thủ mua để giao cho khách hàng. Mặt khác, hiện tồn kho trong nước còn ít nên doanh nghiệp mua vào để có nguồn dự trữ, hơn nữa, vụ Đông Xuân là vụ lúa có chất lượng tốt, dẫn đến đẩy giá lúa lên.
Lượng hàng tồn kho gần cạn kiệt bởi xuất khẩu gạo năm 2022 rất tốt. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, kim ngạch trên 3,4 tỷ USD, giá trung bình 486 USD/tấn. Lượng xuất khẩu tăng khá mạnh 13,83%, nhưng giá chỉ tăng khiêm tốn trên 5% bởi giá xuất khẩu trung bình giảm 50,47 USD/tấn.
Vào vụ mới, lượng sản xuất ra đến đâu bán đến đấy. Hiện giá gạo tốt, nhưng sản lượng bán ra không bằng năm ngoái.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group nhận định với báo chí, mặt bằng chung giá xuất khẩu chắc chắn sẽ còn tăng lên. Bởi, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tiếp tục tăng do những bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới chưa có hồi kết. Các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới ngày càng tăng với các loại gạo thơm và chỉ Việt Nam có loại gạo này đã đẩy giá gạo này tăng cao. Chưa kể đến nhiều doanh nghiệp ký đơn hàng từ trước đó. Thời điểm này, bắt buộc họ phải giao hàng, khi thiếu hàng thì buộc họ phải đẩy giá thu mua lên.
Hiện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV đang thu mua lúa với giá từ 6.800-7.100 đồng/kg. Công ty này cũng đang tập trung thu mua để có nguồn hàng, ký hợp đồng các đơn hàng xuất khẩu mới cũng như cung cấp thị trường nội địa.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, không chỉ đạt được sự hấp dẫn về giá mà nhiều doanh nghiệp đã có được những đơn hàng gạo cho đầu năm nay. Với những tín hiệu tích cực, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan rằng, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm mới 2023.
An Mai (t/h)“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.