Nguyên nhân nhiều ngân hàng cấp tốc chuyển sàn
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các ngân hàng sẽ có cơ hội nâng giá trị và tăng vốn khi chuyển sàn sang HOSE.
Năm nay là hạn chót để các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức theo đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025".
Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu “vua” nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ các thông tin chuyển sàn, tăng vốn và phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược được tung ra liên tục. Theo đó, giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá nhanh với thanh khoản lớn.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Trong khi đó, việc các ngân hàng liên tục lên sàn sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này.
Các ngân hàng nhỏ hơn như Ngân hàng Bản Việt, Nam Á Bank đã bắt đầu niêm yết trên sàn UpCom vào năm 2020. Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn hơn như OCB, Maritime Bank, SeaBank lại có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, việc niêm yết mới trên HOSE của các ngân hàng đang được đẩy nhanh hơn. Điều thú vị là những ngân hàng không chịu áp lực pháp lý vì đã niêm yết trên HNX như SHB hoặc đã đăng ký giao dịch trên UpCom như VIB, LPB cũng có kế hoạch chuyển sang HOSE trong quý IV/2020, bất chấp điều kiện thị trường bất lợi do Covid-19.
Lý giải về nhu cầu chuyển sàn này, một số chuyên gia tài chính cho rằng có thể do áp lực cạnh tranh, vì các ngân hàng cấp 2 khác có quy mô tương đương đang niêm yết thẳng trên HOSE. Ngoài ra, phần khác có thể là do nhu cầu vốn, vì việc niêm yết trên HOSE sẽ cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn. Hệ số an toàn vốn (CAR) của SHB, VIB và LPB lần lượt là 10,36%, 9,69% và 8,59%.
Việc chuyển sàn sang HOSE đối với các ngân hàng không có thách thức đang kể nào, tuy nhiên, khi công bố thông tin tại HOSE, có nhiều quy định chặt chẽ hơn trên UpCom. Ví dụ như sàn UPCOM chỉ yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm, trong khi HNX và HOSE yêu cầu các ngân hàng báo cáo tài chính quú. Tuy nhiên, theo đánh giá của SSI Research, quy định này không ảnh hưởng đến LienVietPostBank, VIB... do các ngân hàng này đều đáp ứng được yêu cầu đó.
Trong khi đó, niêm yết trên HOSE có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cơ hội tăng vốn - yếu tố nổi bật nhất theo quan điểm của SSI Research.
Thứ nhất, việc chuyển từ UpCom sang HOSE sẽ khiến ngân hàng đủ điều kiện để giao dịch ký quỹ, giúp cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu. Theo quy định, cổ phiếu sẽ được phép giao dịch ký quỹ sau 6 tháng kể từ ngày niêm yết.
Thứ hai, tính minh bạch cũng như độ tin cậy của thông tin doanh nghiệp công bố trên HOSE, nhìn chung được đánh giá cao hơn so với thông tin trên UpCom. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cũng được nhà đầu tư đón nhận tốt hơn so với sàn UpCom.
Thứ ba, một số quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu UpCom, do đó việc chuyển sang HOSE sẽ khiến cổ phiếu VIB và LPB có thể được các quỹ ngoại lớn tiếp cận.
Tuy nhiên, trường hợp của VIB không nên đánh giá quá cao lợi ích này vì không còn room cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Dựa vào những lợi ích kể trên, nhà đầu tư đều kỳ vọng các cổ phiếu này sẽ được định giá lại. Theo đó, việc bán cổ phiếu trong tương lai để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn có thể được thực hiện với mức giá tốt hơn”, SSI Reasearch nhận định.
Trong số 31 ngân hàng thương mại cổ phần, 10 ngân hàng lớn đã niêm yết trên HOSE, 3 ngân hàng niêm yết trên HNX và 7 ngân hàng nhỏ là trên UpCom. Nếu các ngân hàng này đều niêm yết trên HOSE, vốn hóa thị trường của ngành ngân hàng trên tổng vốn hóa thị trường sẽ tăng từ 27% lên 30%.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.