Nhà đầu tư đang để sẵn 60.000 tỷ đồng chưa giải ngân tại các CTCK vào cuối năm 2020

Tài chính - Đầu tư
04:58 PM 21/01/2021

Số liệu từ các CTCK cho biết vào cuối năm 2020, số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/12/2020.

Kể từ khi tạo đáy tại vùng 650 điểm vào cuối quý 1/2020, TTCK Việt Nam đã hồi phục ngoạn mục và thậm chí lên sát đỉnh lịch sử 1.200 điểm ngay trong những ngày đầu năm 2021.

Diễn biến tích cực của thị trường trong những tháng qua có vai trò không nhỏ từ các nhà đầu tư mới, hay gọi là nhà đầu tư "F0". Số liệu từ VSD cho biết trong năm 2020 có tới hơn 390.000 tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, tăng 109% so với năm trước.

Nhà đầu tư đang để sẵn 60.000 tỷ đồng chưa giải ngân tại các CTCK vào cuối năm 2020 - Ảnh 1.

Việc nhà đầu tư đổ mạnh vào thị trường chứng khoán năm qua có nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm mạnh đã khiến dòng tiền dịch chuyển sang đầu tư chứng khoán. Sự "đổ bộ" của lớp nhà đầu tư mới đã khiến thị trường thiết lập hàng loạt kỷ lục mới.

Đầu tiên là việc "cân" lại áp lực bán ròng của khối ngoại. Trong năm 2020, khối ngoại đã bán ròng gần 16.000 tỷ đồng trên sàn HoSE và thông thường, việc khối ngoại bán ròng mạnh sẽ khiến thị trường giảm sâu. Tuy nhiên trong năm 2020, chỉ số VN-Index vẫn bứt phá ngoại mục và dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước đóng vai trò không nhỏ.

Dù thị trường thiếu vắng dòng tiền ngoại, tuy nhiên dòng tiền từ các nhà đầu tư "F0" đã bù đắp, đẩy thanh khoản thị trường liên tiếp lập kỷ lục mới. Trong quý 4/2020, giá trị khớp lệnh bình quân sàn HoSE đạt 8.715 tỷ đồng/phiên, tăng gần gấp đôi so với quý trước và tăng 175% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh khoản quý 4 vừa qua cũng được ghi nhận là cao nhất lịch sử TTCK Việt Nam, vượt xa đỉnh trước đó vào quý 1/2018 (6.295 tỷ đồng/phiên).

Sự gia nhập của lớp nhà đầu tư mới cũng đẩy dư nợ margin tại các CTCK lên cao kỷ lục. Số liệu cuối năm 2020 cho biết dư nợ cho vay tại các CTCK lên tới 90.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ margin vào khoảng 81.000 tỷ đồng và nhiều CTCK thậm chí đã rơi vào tình trạng hết nguồn cho vay.

Trong lịch sử TTCK Việt Nam, không ít lần thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh mỗi khi margin tại các CTCK "căng". Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, dòng tiền từ nhà đầu tư mới liên tục nhập cuộc giúp thị trường trở nên khá vững vàng và mau chóng hồi phục sau những phiên điều chỉnh sâu.

Số liệu từ các CTCK cho biết vào cuối năm 2020, số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/12/2020.

Nhà đầu tư đang để sẵn 60.000 tỷ đồng chưa giải ngân tại các CTCK vào cuối năm 2020 - Ảnh 2.

Số dư tiền của nhà đầu tư tại CTCK tăng vọt trong quý cuối năm 2020

VPS hiện là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất, lên tới hơn 7.400 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với đầu năm. Năm qua, VPS đã bứt phá ngoạn mục vươn lên trở thành CTCK có thị phần môi giới lớn thứ 2 trên HoSE, lớn nhất trên HNX, UPCom và thị trường phái sinh. Do đó việc có lượng lớn tiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản cũng là điều không quá bất ngờ.

Những ngày đầu năm mới 2021, xu hướng nhà đầu tư "F0" mở tài khoản chứng khoán vẫn diễn ra mạnh mẽ. Theo chia sẻ của một số CTCK, từ đầu tháng 1 tới nay, số dư tiền gửi nhà đầu tư tại CTCK tiếp tục tăng "không tưởng" và điều này sẽ giúp thị trường trở nên bền vững hơn, dù cho tình trạng margin tại các CTCK đang khá "căng".

Minh Anh
Ý kiến của bạn
9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD 9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD

Trong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...