Nhà đầu tư nên cẩn trọng khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp
Năm 2021 là năm lên ngôi của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đáp ứng được việc huy động vốn của các doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Thị trường triển vọng
Trong thời gian qua, thị trường TPDN có tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Ảnh minh họa
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, riêng 7 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 235.094 tỷ đồng, trong đó có 363 đợt phát hành riêng lẻ và 13 đợt phát hành ra công chúng, 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 95 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 79% trái phiếu phát hành với kỳ hạn từ 2-4 năm, lãi suất thấp từ 3-4.2%. Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 75.8 nghìn tỷ đồng; trong đó, có khoảng 15% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu; lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm.
Nhưng theo các chuyên gia, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường TPCP kéo theo nỗi lo đối với các nhà đầu tư tham gia thị trường, nhất là các nhà đầu tư cá nhân vì theo quy định của pháp luật, các nhà đầu tư tự chiu trách nhiệm mua trái phiếu riêng lẻ, trong khi hầu hết các nhà đầu tư không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua TPDN phát hành riêng lẻ, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ.
Nhiều nhà đầu tư còn lách luật trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ nhưng không đánh giá hết hoặc phân tích được rủi ro, không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo, trái phiếu có được mua lại hay không... Hành vi này sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư, nhà đầu tư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu và vi phạm quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế do chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Khi đó, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ sẽ không đánh giá được đầy đủ các rủi ro và đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao.
Cần chọn lọc và cẩn trọng khi đầu tư
Theo nhiều chuyên gia tài chính, trong giai đoạn vô cùng khó khăn của nền kinh tế, đây không phải lúc để nhà đầu tư bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.
Ông Nguyễn Chí Hiếu- chuyên gia tài chính cho rằng các nhà đầu tư cần nhận diện các rủi ro khi đầu tư vào thị trường trái phiếu: Rủi ro thứ nhất là rủi ro tín dụng, tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn. Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu. Rủi ro thứ ba là định giá lãi suất điều chỉnh với rủi ro chưa hợp lý, dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất. Cuối cùng là các rủi ro khác bao gồm rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch…
Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Ảnh minh họa
Để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, an toàn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, cơ quan quản lý đã xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ trong lĩnh vực này.
Trong đó, đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành trái phiếu như đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, ngoại trừ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng tại thị trường trong nước. Đồng thời, quy định mới chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; các đợt chào bán phải được tư vấn bởi công ty chứng khoán.
Bộ Tài chính cũng khuyến cáo, nhà đầu tư cần phân biệt rõ phương thức phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ; chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
Đặc biệt, nhà đầu tư lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Hơn ai hết, nhà đầu tư phải là người chịu trách nhiệm kiểm soát rủi ro cho các khoản đầu tư.
Trương HưngTheo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.