Nhà đầu tư nước ngoài săn đón, một cổ phiếu ngân hàng hết room ngoại

Đầu tư và Tiếp thị
03:12 PM 07/03/2022

Phiên hôm nay 7/3, khối ngoại đã mua ròng 120.800 cổ phiếu ngân hàng này, gần sạch số cổ phiếu được phép sở hữu thêm.

Theo công bố của Trung tâm lưu ký chứng khoán về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết, một số ngân hàng Việt đang thường xuyên gần hết room ngoại, được nhà đầu tư săn đón như VPB, VIB, TCB, OCB,…Nhiều cổ phiếu chỉ vừa "hở" room liền lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào ồ ạt. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có nhiều cổ phiếu bị khối ngoại "xả" liên tục thời gian gần đây.

Phiên giao dịch hôm nay 7/3, trong khi bán mạnh HDB, TPB,...thì ở chiều ngược lại, dòng tiền của khối ngoại tích cực chảy vào một số mã ngân hàng như STB, VPB, VIB,…Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài đã mua sạch VIB.

Cụ thể, VIB đang chốt "room" ngoại ở mức 20,5%. Tỷ lệ này được ngân hàng cố định trước khi lên UPCoM năm 2017 và duy trì từ đó đến nay.

Trong 1 tháng trở lại đây, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB liên tục ở mức 20,49%, tiệm cận với mức tối đa. 

Và phiên hôm nay 7/3, khối ngoại đã mua ròng 120.800 cổ phiếu VIB, gần sạch số cổ phiếu được phép sở hữu thêm, chỉ còn lẻ 39 cổ phiếu. 

Động thái của khối ngoại gây chú ý bởi nhiều công ty dự báo cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh trong năm 2022. Trong báo cáo phân tích chiến lược tháng 3/2022, công ty chứng khoán Mirae Asset chỉ nêu tên 3 cổ phiếu ngân hàng có triển vọng tích cực trong năm nay gồm TCB, CTG, VIB.

Trong đó, nhóm phân tích của Mirae Asset cho rằng, VIB có thể duy trì tốc độ tăng trưởng đầu ngành ngân hàng bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh trong năm 2021. Nhà băng này có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ với mức lợi nhuận gần 2.700 tỷ đồng trước thuế trong quý 4/2021 – mức cao nhất trong lịch sử một quý mà VIB đạt được – đã giúp ROE của VIB giữ 30% trong liên tiếp 2 năm 2020 và 2021 (dẫn đầu khối top ngân hàng thương mại cổ phần).

VIB cũng công bố NIM 2021 đạt 4,4% giảm nhẹ so với mức 4,5% của 2020. Theo VIB, ngân hàng đã tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn, giảm đến 1,1% so với năm 2020. Dư nợ tái cơ cấu cũng được giảm mạnh so với cuối quý 3/2021.

VIB sẽ là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sớm nhất trong năm 2022. Ngân hàng dự kiến cuộc họp diễn ra ngày 16/3 với nhiều nội dung quan trọng.

Theo tài liệu họp đại hội, năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt tới 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về Tổng tài sản, Tổng dư nợ tín dụng và Huy động vốn tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng Tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, VIB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu và và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của Ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo Quy định của Pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách ESOP (chia cổ phiếu thưởng cho CBNV) nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của Ngân hàng.

VIB là một ngân hàng nổi bật trên thị trường ở mảng bán lẻ, với tỷ trọng cho vay bán lẻ đạt gần 90% danh mục tín dụng, cao gấp đôi trung bình ngành. Theo nhiều chuyên gia, trong bổi cảnh nền kinh tế phục hồi, những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao sẽ có nhiều lợi thế khi nhu cầu chi tiêu của người dân tăng mạnh.

Nhà băng này cho biết, trong giai đoạn 5 năm chuyển đổi tiếp theo, VIB sẽ tiếp tục giữ vị thế ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về chất lượng và quy mô. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận đạt tối thiểu 30%/năm, dự kiến lợi nhuận vượt mốc tỷ đô.

Ánh Dương
Ý kiến của bạn