Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng tháng thứ 3 liên tiếp, 21/23 nhóm ngành tăng điểm
Đóng góp lớn nhất vào sự tăng điểm của VN-Index trong tháng 1 là các cổ phiếu ngân hàng.
Theo báo cáo mới nhất được ACBS công bố, chỉ số VN-Index tăng mạnh từ đầu năm 2023 cùng nhịp với thị trường toàn cầu, vượt mốc 1.100 điểm và đóng cửa tháng ở mức 1.111,2 điểm sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, cao hơn 10,3% so với cuối năm ngoái.
Đà tăng của thị trường trải rộng trên nhiều nhóm ngành với 21/23 nhóm ngành tăng điểm trong tháng 1 nhưng chỉ 5/23 nhóm ngành có giá trị giao dịch bình quân cao hơn tháng trước trong khi thanh khoản của VN-Index giảm xuống 10,7 nghìn tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng tháng thứ ba liên tiếp với giá trị 160 triệu USD.
Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã công bố KQKD tháng 1 với tổng lợi nhuận sau thuế của rổ VN-Index giảm 30% so với cùng kỳ và đạt tăng trưởng một con số 4,8% cho năm 2022, thấp hơn kỳ vọng của thị trường và kéo định giá thị trường cao hơn mức dự báo trước đó. Tuy nhiên, P/E của VN-Index vào cuối tháng 1 là 14,2, vẫn thấp hơn mức trung bình 15,5 lần của các thị trường ASEAN và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu ROE thuộc nhóm cao nhất so với các thị trường khác trong danh sách theo dõi của chúng tôi, đem lại cơ hội để các nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu ở mức định giá tương đối thấp.
Đóng góp lớn nhất vào sự tăng điểm của VN-Index trong tháng 1 là các cổ phiếu ngân hàng, VCB của Vietcombank (+14,9%) và BID của ngân hàng BIDV (+16,8%) nhờ kết quả hoạt động tốt trong năm 2022 với lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt là 36% và 70% cho cả năm 2022. Vietcombank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 75 nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và 2024, đưa ngân hàng này trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Eximbank (HOSE: EIB, -7%) là mã kéo giảm chỉ số nhiều nhất và tiếp tục chứng kiến sự thay đổi cơ cấu cổ đông với việc bán 10,8% cổ phần tại Eximbank của Sumitomo Mitsui Banking Corporation làm giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,27%.
NVL của Novaland (+1.4%) vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu công ty với việc thay đổi lãnh đạo và hàng loạt chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông nội bộ.
Chứng khoán (+20,7%) là nhóm tăng điểm nhiều nhất trong tháng nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường chứng khoán và nhận được dòng vốn mua ròng lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm ngân hàng, vốn hóa thị trường lớn nhất của VN-Index, có mức sinh lời 13,8% và chứng kiến khối ngoại bán ròng cao nhất trong tháng chủ yếu là lượng bán ra ở cổ phiếu Eximbank.
Ngành Nguyên vật liệu tăng 18% với sự đóng góp chủ yếu của HPG (+22.8%) là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng bình quân hơn 1 nghìn tỷ đồng/tháng trong 3 tháng liên tiếp gần đây. Trong số các ngành có thanh khoản tăng, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày của ngành Vận tải tăng 4,3% nhờ thanh khoản của HHV của Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, tăng 270% lên 105 tỷ đồng/ngày do kỳ vọng đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong năm 2023. EIB, DGC, DPM, KDC và PVT là những mã bị bán ròng nhiều nhất trong tháng Giêng.
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào một số thị trường châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, là những thị trường được hưởng lợi từ lo ngại về suy thoái tại Mỹ và châu Âu và kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi nhiều biện pháp hạn chế COVID-19 được nới lỏng sẽ tác động tích cực đến hoạt động giao thương của các nền kinh tế trong khu vực với quốc gia khổng lồ này và giúp cải thiện tâm lý thị trường.
Tăng trưởng EPS năm 2023 của VN-Index dự đoán sẽ là 11,7%, thấp hơn mức trung bình 12,8% của các thị trường ASEAN. Với P/E kỳ vọng cho năm 2023 là 11,2, thấp hơn mức trung bình 13,0 của các thị trường trong khu vực ASEAN và các thị trường khác.
"Chúng tôi cho rằng VN-Index vẫn hấp dẫn nhà đầu tư để có thể tích lũy cổ phiếu ở mức định giá tương đối thấp", ACBS nhận định.
Nhật HàGiá xăng đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (16/1), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.