Nhà đầu tư thiếu mặn mà với bất động sản nghỉ dưỡng
Các bộ ngành, địa phương đang đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nhìn chung phân khúc này được dự báo khó có “sóng lớn” trong ngắn hạn bởi nhà đầu tư còn e dè với phân khúc này.
Trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo trong năm 2024, mức độ khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng sẽ giảm. Nguồn cung có thể cải thiện 20% so với năm 2023, trong đó, loại hình căn hộ biển tại các dự án lớn sẽ chiếm ít nhất 60% thị phần.
Dự báo của VARS dựa trên 2 yếu tố chính: Thứ nhất là sự phục hồi của du lịch; thứ hai là tốc độ tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo khó có “sóng lớn” trong ngắn hạn bởi các nhà đầu tư vẫn thiếu mặn mà với phân khúc này.
Một trong những “nút thắt” dẫn đến tình trạng trên là tốc độ cấp sổ hồng. Chính những vấn đề phát sinh trong quá trình cấp sổ hồng cho các loại hình nghỉ dưỡng khiến phân khúc này chưa thể phục hồi như kỳ vọng.
Chủ đầu tư rục rịch mở hàng, tăng cường quảng bá, song phần lớn các nhà đầu tư cá nhân còn khá e dè, hỏi nhiều nhưng chốt ít, bởi vấn đề cốt lõi nhất là làm sổ hồng vẫn bị bỏ ngỏ.
Bên cạnh tốc độ gỡ vướng pháp lý chậm, loay hoay cấp sổ hồng, bất động sản nghỉ dưỡng cũng được các chuyên gia đánh giá xuất hiện khá “mờ nhạt” trong Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Điển hình, trong Luật Kinh doanh bất động sản, theo thống kê có khoảng 6 lần cụm từ “du lịch” được nhắc đến, nhưng cụ thể loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó chủ lực là căn hộ du lịch (condotel) là gì, định nghĩa, chức năng, quyền sở hữu,… vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Tương tự, trong Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua, các nội dung liên quan đến đất đai gắn với loại hình căn hộ du lịch, nghỉ dưỡng cũng khá ít. Vấn đề được chờ đợi nhất là cấp “sổ hồng” cho các loại hình thuộc phân khúc này chưa thực sự tường minh.
Theo giới chuyên gia, để bất động sản nghỉ dưỡng thật sự phục hồi, chắc chắn sẽ phải tiếp tục chờ đợi các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành và việc này không thể xong trong “một sớm một chiều”.
Với diễn biến từ thực tế, giới chuyên gia dự báo bất động sản nghỉ dưỡng nhiều khả năng sẽ ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhưng những khó khăn sẽ tiếp tục "song hành" với phân khúc này ít nhất 2-3 năm tới. Dù có cải thiện về nguồn cung, thanh khoản, song sẽ rất khó để loại hình này bùng nổ như những năm về trước.
An Mai (t/h)Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.