Nhà ga hành khách T3 Sân bay Tân Sơn Nhất chính thức hoạt động sau lễ 30/4 - 1/5
Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất vừa công bố kế hoạch dự kiến đưa vào khai thác nhà ga hành khách T3 - sân bay Tân Sơn Nhất.
Chiều 13/3, thông tin từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Nhà ga hành khách quốc nội T3 khai trương vào ngày 30/4/2025 để chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, sân bay đã lên kế hoạch kiểm tra các hệ thống trang thiết bị, quy trình phục vụ hành khách, công tác huấn luyện đào tạo…

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khai thác chính thức từ sau cao điểm 30/4 – 1/5. Ảnh: ACV.
Trước mắt, dự kiến các đơn vị sẽ khai thác các chuyến bay nội địa của của 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đây là hai hãng có số lượng chuyến bay và tần suất hoạt động cao nhất, khi chuyển sang trước trong giai đoạn thử nghiệm sẽ đáp ứng yêu cầu giảm tải cho nhà ga hiện hữu. Cảng sẽ tổ chức thử nghiệm khai thác thực tế tại Nhà ga hành khách quốc nội T3 trước khi khánh thành vào 30/4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhà ga hành khách quốc nội T3 sẽ khai thác chính thức từ sau giai đoạn cao điểm 30/4 - 1/5.
Sau thời gian thử nghiệm, các đơn vị chức năng sẽ có đánh giá chi tiết và công bố chính thức kế hoạch khai thác cụ thể vào ngày khai trương nhà ga.
Các chuyến bay nội địa của 4 hãng hàng không còn lại là Vasco, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines tiếp tục khai thác tại Nhà ga hành khách quốc nội T1.
Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất được khởi công từ tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư lên đến 10.990 tỷ đồng. Dự án bao gồm 4 hạng mục chính là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng tích hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và khu vực sân đỗ máy bay.
Khi hoàn thành, nhà ga này sẽ vận hành với công suất hơn 20 triệu hành khách, nâng tổng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm.
Việc hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà ga T3 sẽ giảm tải cho nhà ga hiện hữu, nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của hành khách tại khu vực phía Nam.
Huyền My (t/h)
Do xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này mới chỉ ở bước đầu khai phá nên Việt Nam còn nhiều dư địa khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước.