Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới thắp tham vọng chinh phục Bắc Cực của Nga
Cảng Siberia xa xôi là trung tâm của các kế hoạch mở cửa vận tải biển và tiếp cận các nguồn tài nguyên quý giá.
Nhà máy điện hạt nhân nổi mở ra những cơ hội mới
Akademik Lomonosov là nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới, được neo đậu ngoài khơi thị trấn nhỏ Pevek ở Bắc Cực. Đây là dấu hiệu cho thấy tham vọng của Tổng thống Vladimir Putin đang vươn đến vùng viễn đông của Nga.
Cảng ở bờ biển phía bắc Siberia đang là một phần trong kế hoạch của Moscow nhằm mở một tuyến đường vận tải biển xuyên Bắc Cực và tiếp cận các nguồn tài nguyên dễ dàng hơn.
Trong một năm, bến cảng của thị trấn Pevek có 4 tháng không bị đóng băng. Khi biến đổi khí hậu làm cho băng tan và mở ra con đường mới, Pevek sẽ trở thành trung tâm vận tải thương mại trên Tuyến đường Biển Bắc.
Nguồn năng lượng do nhà máy điện hạt nhân Akademik Lomonosov cung cấp sẽ giúp Pevek trở thành cửa ngõ dẫn vào Chukotka. Đây là khu vực gần Alaska, giàu vàng, bạc, đồng, lithium và các kim loại khác.
Maxim Zhurbin, phó thị trưởng của Pevek, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại thị trấn vào tháng 10: "Nếu không có Tuyến đường Biển Bắc, không có cảng, sẽ không có Pevek".
Rất ít người dân ở Pevek cảm thấy lo ngại về lò phản ứng hạt nhân nổi ở bến cảng. Igor Ranav, một doanh nhân tại địa phương, cho hay: "Sợ hãi? Chúng tôi không sợ. Có thể người Nga không sợ bất kỳ điều gì nữa. Chúng tôi đã chứng kiến và trải qua mọi thứ. Chúng tôi cần phải lạc quan. Chúng tôi được thông báo rằng nhà máy xây dựng bằng công nghệ mới nhất. Nó an toàn và tôi hy vọng là như vậy".
Natalia Koveshnikova, một kế toán viên đã nghỉ hưu, người đã sống ở Pevek gần cả cuộc đời, cho biết: "Thật là tuyệt vời khi nhà máy điện ở đây. Đây là năm đầu tiên chúng tôi có hệ thống sưởi và nước nóng quanh năm".
Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom phụ trách việc phát triển Tuyến đường Biến Bắc. Bên cạnh việc vận hành nhà máy Akademik Lomonosov, Rosatom còn vận hành các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Công ty kỳ vọng những con tàu này sẽ giúp mở ra tuyến đường hàng hải quanh năm ở Bắc Cực vào năm 2025.
Hai tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đang được đóng ở St Petersburg. Những con tàu này sẽ đi cùng các tàu thương mại qua Bắc Cực. Ảnh: FT
Rosatom không tiết lộ chi phí đầu tư, nhưng khẳng định các dự án kinh doanh ở Bắc Cực sẽ thu về lợi nhuận. Người đứng đầu Rosatom - Alexei Likhachev – cho biết rằng hoạt động kinh doanh là mục tiêu chính. Công ty dựa trên khả năng đầu tư để tạo điều kiện cho các dự án hiện tại.
Sau khi được hoàn thiện nâng cấp vào năm 2023, nhà máy hạt nhân ở Pevek dự kiến sẽ cung cấp năng lượng cho các dự án khai thác tài nguyên, bao gồm: Mayskoye – mỏ vàng do công ty Polymetal khai thác và Pyrkakay – một trong những mỏ thiếc lớn nhất nước Nga.
Rosatom có kế hoạch xây dựng thêm 4 nhà máy hạt nhân nổi vào cuối thập kỷ này trên khắp Vịnh Chaunskaya, nhằm cung cấp điện cho dự án khai thác đồng của Baimskaya.
Những mỏ kim loại khổng lồ phục vụ cho công nghệ năng lượng tái tạo đã được phát hiện từ thời Liên Xô. Nhưng quá trình khai thác còn chậm vì thiếu công nghệ, thiết bị và cơ sở hạ tầng.
Oleg Novachuk, Giám đốc điều hành của Kaz Minerals, nhà khai thác phụ trách dự án 12 tỷ USD, cho biết dự án vẫn chưa đi đến đâu. Với các nhà máy điện hạt nhân nổi, dự án tỷ đô này sẽ được sử dụng nguồn điện với chi phí phù hợp trong vòng 60 năm tới.
Tổ máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov cập cảng Pevek. Ảnh: Getty
Tham vọng chinh phục viễn đông của Nga
Phát triển khu vực Chukotka và Bắc Cực nói chung từ lâu đã là mục tiêu của Tổng thống Putin và Liên bang Nga. Năm 2017, khi Nga lần đầu tiên sản xuất khí tự nhiên hoá lỏng ở Bắc Cực và xuất khẩu thông qua Tuyến đường Biển Bắc, ông Putin phát biểu rằng: "Nước Nga nên mở rộng đến Bắc Cực, vì đây là nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản chính".
Những chuyến hàng vận chuyển qua Tuyến đường Biển Bắc tăng từ 1,5 triệu tấn lên 33 triệu tấn trong vòng 20 năm kể từ năm 2000. Hàng hoá vận chuyển chủ yếu là dầu và khí đốt. Sau lần tái đắc cử gần đây nhất năm 2018, Tổng thống Putin cho biết khối lượng sẽ đạt 80 triệu tấn vào năm 2024.
Rosatom dự kiến khối lượng các mặt hàng xuất khẩu của Nga qua tuyến đường này sẽ đạt 110 triệu tấn trong thập kỷ tới, đồng thời thu hút vận tải quốc tế. Công ty ước tính hoạt động vận tải biển quốc tế qua Tuyến đường Biển Bắc sẽ bắt đầu vào năm 2025 và đạt ít nhất 30 triệu tấn vào năm 2030.
Rosatom tin rằng sự cố gây tắc nghẽn ở kênh đào Suez trong năm nay sẽ mở ra cơ hội cho Tuyến đường Biển Bắc. Tuyến đường này ngắn hơn nên có thể cạnh tranh với kênh đào Suez, mặc dù có thể sẽ phải thuê tàu phá băng hỗ trợ trong mùa đông.
Tuyền đường Biển Bắc có thể rút ngắn đáng kể thời gian. Ảnh: FT
Chẳng hạn như một chuyến hàng đi từ Busan của Hàn Quốc đến Rotterdam ở Hà Lan sẽ mất khoảng 27-28 ngày khi đi qua Tuyến đường Biến Bắc, nhanh hơn so với 40 ngày qua kênh đào Suez. Kirill Komarov, phó giám đốc của Rosatom, cho biết: "Sự chênh lệch 12 ngày khi bạn vận chuyển hàng hoá trị giá 1 tỷ USD, là một con số không hề nhỏ".
DP World, công ty logistics và vận hành cảng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, là công ty đầu tiên ký thoả thuận đối tác vận chuyển qua Tuyến đường Biển Bắc với Rosatom vào tháng 7. Công ty cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào cơ cở hạ tầng và bổ sung đội tàu.
Sultan Ahmed bin Sulayem, giám đốc điều hành của DP World, cho biết chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 gây ra đang cho thấy sự cần thiết của những tuyến đường mới.
Đối với Rosatom, quản lý vận chuyển để đạt hiệu quả quanh năm là một thách thức lớn, mặc dù biến đổi khí hậu đã đóng phần nào vai trò. Trong 40 năm qua, chỏm băng Bắc Cực giảm một nửa vào tháng 9 – tháng ấm nhất và giảm 10% trong tháng 3 – tháng lạnh nhất.
Đại dương ấm lên và băng tan đã giúp cắt giảm chi phí vận chuyển. Khi có ít băng hơn, các tàu thuyền qua lại nhanh hơn và không cần nhiều đến tàu phá băng. Tuy nhiên, việc dự báo thời tiết chính xác và an toàn trong mùa đông vẫn là vấn đề cần được quan tâm. Tháng 11 năm nay, băng bao phủ sớm hơn dự kiến đã khiến 24 tàu thuyền bị mắc kẹt ở Bắc Cực.
Trong khi đó, người dân ở Pevek đang có cơ hội hiếm hoi được chứng kiến thị trấn chuyển mình. Sẽ không còn một thị trấn tăm tối và tin đồn thị trấn đóng cửa khi vốn đầu tư lớn đổ vào khu vực này để xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi.
Theo Financial Times
Khánh LyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.