Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai: Tháo gỡ “nút thắt” xuất khẩu, đón đầu cơ hội mới hậu COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến hàng loạt các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên khắp cả nước rơi vào trạng thái kinh doanh ảm đạm. Nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng vì không xuất khẩu được hàng hoá và thiếu vốn để thu mua nguyên liệu. Việc các nước, trong đó có Trung Quốc - thị trường hàng đầu thu mua tinh bột sắn - áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, tạm ngừng thông quan và thực hiện giãn cách xã hội cũng khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này giảm mạnh.
Là một trong những doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ mang đến giá trị bền vững cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế Tây Nguyên, nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai (cơ sở số 15 Ngô Mây, phường An Tân, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định trong thời kỳ trước, trong và hậu dịch COVID-19.
Khó khăn hiển hiện là không xuất khẩu được, số lượng hàng tồn nhiều. Sức mua của thị trường giảm mạnh khiến nguồn thu sụt giảm. Nhà máy phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong thời gian tới để giảm thiệt hại.
Chưa kể đến vùng nguyên liệu trồng sắn của nhà máy đang phải đối diện với nhiều thách thức. Như trong vụ trồng sắn 2019-2020, tại huyện Đắc Pơ trồng được khoảng 3.000 ha sắn. Tuy nhiên, cây sắn ở vùng nguyên liệu này đã xuất hiện bệnh khảm lá virus. Cây nhiễm bệnh xuất hiện nhiều ở các xã như: Yang Bắc, Hà Tam, thị trấn Đak Pơ với biểu hiện thân, lá bị rụi dần, cong queo, nhăn nhúm; thân cây còi cọc, chậm phát triển. Mặc dù nhà máy đã triển khai các biện pháp phòng trừ, ngăn chặn bệnh khảm lá nhưng bệnh vẫn tiếp tục lây lan, chưa có dấu hiệu dừng lại...
Ban lãnh đạo nhà máy nhận định rằng, dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng ở Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng, khi dịch COVID-19 đi qua, lại là cơ hội lớn để nhiều doanh nghiệp vươn lên.
Nhà máy tinh bột sắn Gia Lai đang tích cực đổi mới chiến lược, trước mắt đang làm việc với tất cả các đối tác để nối lại xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ. Khi xuất khẩu được, hàng hóa được giải phóng, doanh thu tăng dần và ổn định sẽ khiến "nút thắt" khó khăn của nhà máy được cởi bỏ, mang lại nhiều tín hiệu khả quan trong việc áp dụng tiến bộ trong công nghệ sản xuất và vùng nguyên liệu ổn định đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Với những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy trong việc thích nghi với trạng thái "bình thường mới" hậu COVID-19, các chiến lược tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và các giải pháp sản xuất, kinh doanh của nhà máy sẽ phát huy hiệu quả, đưa nhà máy trở lại guồng phát triển bình thường.
Đồng thời giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với việc nâng cao đời sống của người dân và kiểm soát mức độ ô nhiễm trong phạm vi cho phép. Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai sẽ phát triển, đáp ứng kỳ vọng và góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành sản xuất tinh bột sắn trong nước cũng như góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Gia Lai.
Phùng SơnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.