Nhà mình ăn cùng nhau, cơm dở cũng thành ngon
Khảo sát xã hội về bữa cơm gia đình cho thấy, ở một vài thành phố lớn, có tới 40 đến 50%, thậm chí hơn 50% gia đình không còn duy trì thường xuyên bữa cơm gia đình truyền thống quây quần các thành viên. Đó là điều đáng lo ngại.
Bữa cơm gia đình thấm đẫm tình mẹ cha.
“Gia vị yêu thương” của cơm nhà
Nhìn từ góc độ tích cực thì trong đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều giá trị sống. Điều dễ thấy là sự ấm áp, hạnh phúc của bữa cơm gia đình đã quay trở lại.Với nhiều gia đình, bữa cơm gia đình thường ngày chẳng mấy khi đủ người, nay cả nhà quây quần bên nhau đủ 3 bữa một ngày với những món ăn đong đầy yêu thương.
Đối với chị Hoàng Quyên (Bắc Từ Liêm), dịch Covid-19 làm cho cuộc sống của chị có “điểm dừng nghỉ” hơn so với trước kia. “Với mình, đây là khoảng thời gian cực kỳ quý báu, khi gia đình được bên nhau nhiều. Hơn nữa, được khám phá bản thân hơn bao giờ hết.
Bao nhiêu công thức món ngon sưu tập được, dịp này là cơ hội cho mình trổ tài, mỗi bữa đều được ăn một món mới và được trang trí cầu kỳ. Cả nhà thưởng thức món ăn mới, trong tiếng nhạc không lời và không khí đầm ấm là những điều mà trước kia dường như là xa xỉ với gia đình mình”, chị Hoàng Quyên cho biết.
Với nhiều người, sự trở lại của bữa cơm gia đình đã làm thay đổi không ít những thói quen ăn uống và kể cả khi dịch bệnh qua đi thì mỗi người cũng đã tự ý thức được ý nghĩa của những bữa cơm gia đình, để sắp xếp, cân bằng cuộc sống, công việc để dành những khoảng thời gian gắn bó bên nhau nhiều hơn.
Theo khảo sát của những cán bộ làm công tác xã hội, ở một vài thành phố lớn, có tới 40 đến 50%, thậm chí hơn 50% gia đình không còn duy trì thường xuyên bữa cơm gia đình truyền thống quây quần các thành viên. Điều đáng lo ngại là, rất nhiều trong số đó lại cho rằng tiện đâu thì ăn, tiết kiệm thời gian là chuyện bình thường.
Nhưng cũng từ đó, các thành viên trong gia đình đã mất dần sợi dây gắn kết: cha mẹ không có thì giờ để ý những thay đổi trong tâm tính, sinh hoạt của con cái; con cái thay vì chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc với cha mẹ về kỹ năng sống, về khúc mắc thường gặp chỉ còn biết tìm đến mạng xã hội rồi vô tình mắc vào các tệ nạn xã hội lúc nào không biết.
Ở thời nào cũng vậy, bữa cơm gia đình là nơi quây quần các thành viên. Ở đó, ông bà, cha mẹ không chỉ có điều kiện chăm sóc con cái, mà qua cách ăn cũng dạy bảo con cái nhiều điều, gia đình càng thêm gắn bó. Chính vì vậy mà mới đây khi một thương hiệu đồ bếp gia dụng tổ chức cuộc thi ảnh về bữa cơm gia đình đã có rất nhiều người tham gia, kể cả những người chưa hề là khách hàng của thương hiệu này.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, người có bức ảnh lọt vào top 20 chia sẻ: “Với tôi, niềm hạnh phúc là khi cả nhà quây quần cùng nhau trong bữa cơm chiều ấm nóng. Bà xã tôi luôn nói bữa cơm ngon là bữa cơm cho gia đình vui khỏe và phải đảm bảo an toàn”.
Quả thực, cơm nhà có thể không sang trọng, bắt mắt bằng cơm hàng nhưng lại ngon bởi sự an toàn nhờ bàn tay khéo léo của người phụ nữ trong gia đình, như chia sẻ của một số bài dự thi khác: “Nhờ một gia vị đặc biệt mang tên “yêu thương” mà cơm nhà trở nên đắt giá, đáng quý hơn bất kì điều gì. Gia vị đó xuất phát từ tình cảm chân thành từ ánh mắt, đôi bàn tay của mẹ khi chuẩn bị bữa cơm “chiều chuộng” khẩu vị cả nhà.
Hay sự quan tâm không phô trương nhưng vô cùng ấm áp của cha bằng những câu hỏi mộc mạc về trường lớp, công việc của các con”; “Người ta nói đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm! Nhưng với gia đình mình thì cả hai cùng đồng lòng cố gắng và cùng nhau vào bếp cho bữa cơm rộn vang tiếng cười, để bếp nhà luôn đỏ lửa, để hôn nhân bền vững lâu dài… Chắc chắn rằng, dù thưởng thức món ngon ở bất cứ nơi đâu cũng chẳng bằng cơm nhà mình được”…
Cơm gia đình trong mắt người trẻ
Nhiều người nghĩ rằng, người trẻ không thích ăn cơm nhà bởi sở thích đi chơi, tụ tập, phần nữa cũng vì trong bữa cơm gia đình đôi khi lại bị cha mẹ mắng nên sẽ không thoải mái. Nhưng suy nghĩ đó là nhầm bởi với nhiều người trẻ hiện nay, bữa cơm gia đình là chỗ dựa để họ được tiếp sức trên con đường lập nghiệp đầy chông gai, mệt mỏi.
Gia đình vốn là một đề tài quen thuộc nhưng dưới cách thể hiện của nhóm làm nội dung và họa sĩ trẻ, Page “Về ăn cơm” đã có hơn 130 nghìn lượt theo dõi và lượng tương tác cao trên Facebook. Có thể nói, page “Về ăn cơm” như thổi một làn gió mới, đưa đến một góc nhìn sâu sắc về hai chữ gia đình.
“Về ăn cơm” xoay quanh tuyến nhân vật đến từ 5 gia đình trong một khu xóm, mỗi gia đình thể hiện một góc độ, một câu chuyện khác nhau. Mỗi mẩu chuyện, lát cắt tình huống đều mang đến một thông điệp ý nghĩa về cuộc sống hàng ngày và tình cảm gia đình sâu sắc.
Được ăn cơm mẹ nấu - ước mơ của nhiều đứa con xa nhà.
“Không phải gia đình nào cũng hoàn chỉnh, cũng đông thành viên. Và ngược lại, đầy đủ thành viên chưa chắc đã là gia đình thực sự. Dù có bao nhiêu thành viên đi chăng nữa, chúng ta chỉ cần có nhau, có những bữa cơm quây quần, đó là gia đình” – Nguyễn Thăng Long - Trưởng nhóm nội dung của “Về ăn cơm” chia sẻ.
Bố con Su - Ngót là gia đình đầu tiên được nhóm tung ra, chiếm cảm tình của cộng đồng mạng bằng những bức tranh đời thường và tạo hình dễ mến. Gia đình “gà trống nuôi con” này không chỉ mang đến tiếng cười cho mọi người về những tình huống oái oăm, hài hước, mà còn có nhiều khoảnh khắc nghẹn ngào, lắng đọng. Nguyễn Thăng Long cho biết, các gia đình khác sẽ dần xuất hiện trên page từ nay đến tháng 9, góp thêm những mảng màu đa sắc cho bức tranh gia đình Việt Nam.
“Về ăn cơm” giống như một ước muốn của tôi. Tôi cũng muốn có những bữa cơm gia đình như vậy, có những tình cảm như vậy, nhưng do sống xa nhà nên chỉ có thể ăn cơm với gia đình qua màn hình điện thoại. Ai cũng yêu gia đình mình, chỉ là không biết cách hoặc ngại thể hiện mà thôi.
Giữa guồng quay không ngừng nghỉ của cuộc sống, mỏi mệt bộn bề công việc, “Về ăn cơm” mang theo hương vị gia đình thiêng liêng như một cái nắm tay mang theo tình thương, một chiếc ôm vỗ về an ủi “về ăn cơm đi thôi, gia đình đang đợi kìa!”. Vì thế đây không chỉ là một page giải trí, mà còn là nơi ta lưu tâm khi muốn cảm nhận tình yêu” – Nguyễn Thăng Long chia sẻ.
Quả thực là như vậy, bữa cơm gia đình hẳn không có ai chưa từng nếm trải. Để rồi đôi lần chúng ta muốn trở nên bé lại để được quyện tròn vào vòng tay ấm áp của mẹ như một đứa trẻ ngô nghê mỗi khi chiều về, rồi hỏi mẹ “Mẹ ơi, hôm nay nấu món gì?”. Và rồi cảm nhận niềm hạnh phúc giản đơn trong tiếng cười nói rộn rã bên mâm cơm đầy ắp những món ăn thơm ngon được tạo nên từ tình thương bao la của mẹ, sự che chở của cha.
Ở đời, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người sẽ cảm nhận một vị hạnh phúc riêng từ bữa cơm gia đình. Nhưng có một điều chung là cái vị hạnh phúc ấy không tự dưng mà có, nó phải được tạo nên bằng sự chăm chút, bằng tình yêu và nỗi khao khát trở về sau một ngày bận rộn. Và nó chỉ mất đi sự ấm áp vì lòng ích kỷ hẹp hòi, hoặc lơ đãng của những thành viên trong cùng gia đình, khiến lạnh dần không khí hạnh phúc ngọt ngào từ mỗi bữa cơm giản dị.
Bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình
“Với người Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Việc duy trì bữa cơm gia đình trong mỗi gia đình hiện đại ngày nay là điều cần thiết, là một nét văn hoá truyền thống rất cần được gìn giữ, phát huy.
Chính vì vậy mà “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề xuyên suốt từ năm 2014 trở lại đây nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam, được truyền thông mạnh mẽ, đã lan tỏa và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của hàng triệu triệu gia đình.
Bữa cơm gia đình là thời gian và không gian để mọi thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn, chia sẻ và bày tỏ yêu thương, là cầu nối của sự vun đắp tình cảm gia đình, của sự chia sẻ và yêu thương, trao truyền và tiếp thu các giá trị văn hóa. Gia đình như thế nào thì xã hội như thế ấy.
Xây dựng gia đình hạnh phúc là xây dựng xã hội hạnh phúc. Hạnh phúc mỗi gia đình có được là từ sức lực, trí tuệ, thời gian... của các thành viên trong gia đình góp phần vun đắp một cách kiên trì và bền bỉ. Hạnh phúc gia đình được hình thành qua những hành động, việc làm hàng ngày trong đời thường như: cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, các hoạt động ăn uống, nghỉ ngơi, tâm sự, chuyện trò, vui chơi, gánh vác, hỗ trợ... với nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay bộn bề với biết bao lo toan, vì thế mà bữa cơm gia đình đôi khi ít được chú trọng hơn trước. Nhưng dù xã hội hiện đại đến đâu chăng nữa thì những giá trị truyền thống tốt đẹp, cụ thể là bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng trong mọi thời điểm, từ lúc còn nhỏ, đến khi ta lớn, khi già yếu.
Là cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, chúng tôi rất mong “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” sẽ luôn được duy trì trong từng gia đình Việt Nam, kết nối mọi thành viên gia đình với nhau”
Bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.