Nhà ở vừa túi tiền - kì vọng của thị trường bất động sản
Năm mới với nhiều kỳ vọng mới, các chuyên gia trong ngành bất động sản dự báo, nhà ở vừa túi tiền với tầm giá 2 - 3 tỷ đồng/căn hộ sẽ là phân khúc bất động sản bước vào nhịp phục hồi đầu tiên trong năm 2024.
Nhiều năm qua, tình trạng dư cung ở phân khúc cao cấp, trong khi nguồn cung phân khúc trung cấp luôn thiếu hụt vẫn luôn là gánh nặng cho thị trường, đẩy giá nhà lên cao.
Trong khi nguồn cung nhà ở liên tục giảm, giá tăng, thì nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng. Theo báo cáo của Savills, dự kiến nguồn cung nhà ở tại Hà Nội trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ chỉ đạt 86.700 căn, trong khi nhu cầu lên tới 157.000 căn.
Bộ Xây dựng cũng cho biết rằng, với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, thì mỗi năm cần phải tăng thêm gần 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Còn theo ước tính từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, mỗi năm nước ta sẽ thiếu hụt khoảng 300 nghìn đơn vị nhà ở do sự phát triển của các hộ gia đình thành thị mới và nhu cầu "ra ở riêng" của thế hệ trẻ.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, việc phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ mở ra cơ hội giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu trên, kéo giảm mặt bằng giá nhà ở của toàn thị trường. Nếu cả thị trường chung tay và các chính sách về nhà ở theo hướng kinh tế thị trường, thì loại hình nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển song song với nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, để thực hiện được điều này, cần có các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng sức mua, hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc phát triển, vận hành dự án hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông kết nối. Khi khoảng cách không còn là vấn đề, thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực trung tâm ra ven đô là tất yếu.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cách tiếp cận cân bằng, hài hòa hơn đối với thị trường tài chính, kiến tạo để phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro; chú trọng điều tiết cung - cầu và giá bất động sản. Đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; quy định phân nhóm phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, tài chính phù hợp. Các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch thanh toán nợ, đa dạng hóa việc tiếp cận nguồn vốn, giảm đòn bẩy tài chính, tránh đầu tư dàn trải và tích cực đóng góp ý kiến, phản biện chính sách pháp luật liên quan.
Đề xuất các giải pháp trong năm 2024, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, phía Nhà nước cần tạo sự đồng bộ, thống nhất về mặt thể chế thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường, cần tiếp tục chính sách tài khóa liên quan đến vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các địa phương đẩy nhanh việc lập, phê duyệt quy hoạch làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản, lưu ý bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập tại những vị trí phù hợp.
Đồng thời sớm công khai danh mục dự án bất động sản phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để doanh nghiẹp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch… Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm; tiếp tục cải thiện chất lượng dự án.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.