Nhà trường - Điểm tựa tâm lý tin cậy cho học sinh

Giáo dục
04:12 PM 21/02/2021

Thời gian qua có nhiều sự việc gây chấn động xã hội liên quan tới học sinh như: sự việc học sinh tát cô giáo, một số học sinh tự tử, sự việc học sinh lớp 7 nhảy từ lan can tầng 2 trường học xuống đất, bạo hành trong trường học… các sự việc tiêu cực liên tiếp diễn ra trong nhà trường gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng học sinh bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, không làm chủ được cảm xúc và hành vi của bản thân.

Các hành động này có thể lý giải với một số nguyên nhân như: hiện nay một số học sinh đang cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình và lớp học của mình, tỷ lệ ngày càng tăng trong bối cảnh xã hội hiện đại (80% trẻ dưới 18 tuổi từng trải qua cảm giác cô đơn – một nghiên cứu của Ấn Độ).

photo-1613898109980

80% trẻ dưới 18 tuổi từng trải qua cảm giác cô đơn. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngoài ra ở độ tuổi học sinh là giai đoạn trẻ muốn tự khẳng định mình với hàng loạt câu hỏi như tôi là ai, tôi như thế nào, tôi làm sao để khẳng định mình. Trong khi đó, đây cũng là giai đoạn gia đình và nhà trường đặt nhiều kỳ vọng nơi các em (áp lực điểm số, thành tích học tập, công nhận kỹ năng...). Khi không đáp ứng được kỳ vọng, nhiều em e ngại không muốn nhờ sự giúp đỡ vì tâm lý sợ bị từ chối và phủ nhận. Không những vậy hiện nay hình thức kỷ luật tại một số nhà trường, gia đình chưa phù hợp nhục mạ tinh thần, thể xác của học sinh…

photo-1613898112830

Áp lực điểm số, thành tích học tập... khiến nhiều em e ngại không muốn nhờ sự giúp đỡ.Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tháng 12 năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 31/2017/TT -BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, trong đó quy định: Nhà trường bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn; Thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thành phần Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác đoàn, đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ đoàn, đội.

Quy định, hướng dẫn đã có, tuy nhiên khi đi vào thực hiện thực tế gặp nhiều khó khăn, thiếu cơ chế. Đa số các trường học chưa có chuyên gia chuyên môn sâu nên còn nhiều hạn chế. Nhiều trường đang tận dụng giáo viên kiêm nhiệm nhưng thiếu kinh nghiệm tham vấn nên không đạt hiệu quả cao. Trong khi đó những sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý có chuyên môn sâu khi ra trường thì không được tuyển vào làm việc. Có trường có nhưng do số lượng học sinh đông (hàng nghìn học sinh) nên biên chế một người là không đủ……

Để giải quyết vấn đề này các Nhà trường cần chủ động xác định việc tham vấn tâm lý cho học sinh là một nhiệm vụ trọng tậm trong năm học, phải xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể bao gồm: Dự báo, khảo sát định kỳ phân loại đối tượng học sinh về những vấn đề sức khỏe, tâm lý học sinh và thực hiện hoạt động tham vấn phòng ngừa; Sàng lọc, phát hiện sớm những vấn đề về sức khỏe, tâm lý học sinh và thực hiện hoạt động tham vấn trực tiếp cho học sinh; Lập hồ sơ tâm lý của học sinh.

Thông qua hồ sơ tâm lý, giáo viên có thể nhận biết được hoàn cảnh gia đình. Ví dụ, có những học sinh bố mẹ chia tay; mẹ có mối quan hệ riêng tư khác. Đứa trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi và rất cô đơn trong ngôi nhà. Thay vì chơi với bạn bè, con thu mình lại và luôn làm những việc khác biệt như chơi điện tử thâu đêm hay thích là nghỉ học. Lúc này, vai trò của giáo viên phải tìm hiểu, gần gũi và bù đắp cho con bằng những tình cảm yêu thương chân thành".

photo-1613898113813

Vai trò của giáo viên phải tìm hiểu, gần gũi học sinh. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Song song với việc dự báo, khảo sát, sàng lọc lập hồ sơ tâm lý của từng học sinh, nhà trường cần phải tổ chức các chương trình phòng ngừa và can thiệp tới toàn bộ học sinh nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng để học sinh tự ứng phó và giải quyết các vấn đề gặp phải. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề và tư vấn cho giáo viên, phụ huynh, cán bộ nhà trường về những chủ đề có liên quan tới tâm sinh lý, giáo dục dành cho học sinh. Tổ chức các hoạt động, các chuyên đề, hội thảo chuyên sâu về tâm lý lứa tuổi cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm.

photo-1613898114682

Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh gần gũi với bạn bè và thầy cô. Nguồn: internet

Một trong những công việc cần thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung và tham vấn tâm lý cho học trò nói riêng là việc xây dựng văn hóa học đường và mối liên hệ bền chặt giữa gia đình và trường học. Trong đó không chỉ đòi hỏi học sinh, phụ huynh phải biết ứng xử có văn hóa với thầy cô và với các bạn cùng trang lứa, mà còn yêu cầu giáo viên ứng xử có văn hóa, gương mẫu với học sinh, với đồng nghiệp. Biết lắng nghe những băn khoăn,  trăn trở, tâm tình của học sinh là một biểu hiện của ứng xử có văn hóa.

Một ngôi trường có thể đem lại những cảm xúc của tuổi thơ, niềm vui khi tiếp cận tri thức, sự hào hứng khi có bạn bè… thì ngoài những điều kiện tốt về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chương trình học thì một trong những yếu tố vô cùng quan trọng là lưu tâm đến quá trình phát triển tâm lý lứa tuổi của trẻ, hiểu những sự đổi thay để làm bạn, đồng hành với trẻ, khuyến khích trẻ phát triển, hướng đến những điều tốt đẹp.

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…