Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong ký ức người ở lại
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã qua đời trưa 19/9, với hơn 50 năm tận hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, sự ra đi của ông khiến đông đảo bạn bè, đồng nghiệp xót xa.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh là một trong những người đầu tiên biết tin Phó Đức Phương mắc bạo bệnh. Thi thoảng, ông ghé bệnh viện trò chuyện cho nhạc sĩ đỡ buồn. Lần cuối gặp nhau, cả hai vẫn hàn huyên chuyện âm nhạc. Thấy Phó Đức Phương hứng khởi nói hồi phục sẽ bắt tay vào làm dự án mới, Trương Ngọc Ninh khuyên ông nên nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhạc sĩ xua tay cười nói: "Cậu yên tâm, tớ rất ổn".
Trương Ngọc Ninh nhớ lại những năm tháng cùng Phó Đức Phương đi khắp nơi để lấy tư liệu viết nhạc. Mong muốn đi sâu vào thực tế, ngắm nhìn tận mắt khung cảnh thiên nhiên, cả hai không ngại mưa nắng đến Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái... Trương Ngọc Ninh cảm phục tài năng của Phó Đức Phương bởi đi đến đâu, ông cũng có tác phẩm.
Đến Thái Nguyên, ông sáng tác Huyền thoại hồ núi Cốc. Tới Lào Cai, ông viết Mộng mị Sapa với núi cao mây trắng, hoa nở như mơ. Lên Yên Bái, ông cho ra đời Nao nao Thác Bà với "sóng vỗ mênh mang, tiếng hát bay xa, trong cõi nhớ thương dạt dào".
"Trong những chuyến đi, anh Phương quan tâm mọi người từ miếng ăn, giấc ngủ. Anh bắt đầu sáng tác trước nên cũng chia sẻ cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi là anh em thân thiết nhiều năm, gắn kết cả trong âm nhạc lẫn đời sống, có quá nhiều thứ để nhớ lại", Trương Ngọc Ninh nói.
Nhiều thế hệ ca sĩ gọi Phó Đức Phương là thầy. Minh Thu bật khóc khi được con gái nhạc sĩ báo tin. Trên trang cá nhân, cô viết: "Vĩnh biệt người thầy tôi chịu ơn cả đời". Từ năm 2000, khi là sinh viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cô được nhạc sĩ dạy từ cách nhả chữ đến truyền tải cảm xúc bài hát. Khi trở thành Nghệ sĩ Ưu tú, cô vẫn được ông chỉ dẫn, góp ý, hỗ trợ thu âm album Khúc hát phiêu ly (2006), Minh Thu hát Phó Đức Phương (2015).
Minh Thu nói nhờ sự khó tính của thầy Phó Đức Phương mà cô trưởng thành trong nghề. Khi tập hát Bài ca thần chim lạc, cô bị nhạc sĩ nhiều lần mắng đến khóc vì chưa thể hiện được giọng tuồng đúng ý ông.
"Có lần, lịch tập là 14h nhưng do một số việc cá nhân nên 15h tôi mới có mặt. Bản thân tôi không chuẩn bị trước bài hát như đã bàn bạc nên bị ông đuổi về nhà. Ông bảo tôi về tập cho nhuần nhuyễn thì thu âm mới chuẩn. Làm việc với ông rất áp lực nhưng nhờ vậy mới có Minh Thu ngày hôm nay", ca sĩ nói.
Trọng Tấn cũng nhớ đến sự kỹ tính và nghiêm khắc của nhạc sĩ Phó Đức Phương - người anh gọi là chú. Anh kể: "Trước mỗi đêm nhạc, chú trực tiếp 'gò' bài cho ca sĩ, ngân nga ca khúc bằng giọng của mình. Tất nhiên, giọng ông không chuẩn, nhưng nhờ đó, chúng tôi cảm nhận được cái hồn của bài hát, hát đúng tinh thần tác phẩm".
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Anh từng nhiều lần đến nhà nghệ sĩ tập nhạc. Chị được ông chỉ cho cách phát âm, nhả chữ. Trong ấn tượng của chị, cố nhạc sĩ tâm huyết với nghề, quý trọng tài năng trẻ và thân thiện, dễ gần. Chị nói: "Hồi tôi thi Sao Mai, chú làm giám khảo. Lúc ra khỏi sân khấu chú khen tôi hát hay xong còn hỏi: 'Tớ hỏi thật cậu là mắt thật hay lắp giả (kính áp tròng) mà sao đẹp thế'. Đến giờ tôi còn nhớ mãi".
Không được học tập, gắn bó lâu dài với cố nhạc sĩ, Thu Phương trân quý lần duy nhất được làm việc cùng ông. Chị lần đầu hát nhạc Phó Đức Phương năm 2016, khi về nước thực hiện CD Hội trăng. Với chủ đề ca ngợi nét đẹp truyền thống, văn hóa Việt, chị chọn bài Hồ trên núi của nhạc sĩ để hát, dù chưa từng gặp gỡ, làm việc với ông.
Ngày ra mắt CD ở Hà Nội, Thu Phương mời ông đến dự và bất ngờ khi ông gọi chị là cậu, xưng tớ. "Ông bảo 'Tớ không thể ngờ cậu lại hát bài của tớ như thế này. Từ xưa đến nay, tớ chỉ nghĩ cậu hát nhạc tình yêu, tuổi trẻ, nhạc nước ngoài thôi. Nhân tiện đây tớ gửi cậu lời mời tham gia liveshow kỷ niệm 50 năm âm nhạc Phó Đức Phương'", Thu Phương kể.
Trong quá trình tham gia liveshow sau đó, Thu Phương có cơ hội tiếp xúc và làm việc nhiều hơn với nhạc sĩ. Ông cho chị đi nhờ xe, dẫn đến thăm nhà một người bạn có dàn âm thanh hay để thưởng thức nhạc và chia sẻ những trăn trở của ông về tác quyền, thế hệ ca sĩ trẻ hay những người hát nhạc của ông... Chị nói: "Khoảng thời gian đó giúp tôi học hỏi được nhiều điều và sẽ là phần không thể quên trong chặng đường âm nhạc của Thu Phương. Tôi rất buồn vì đã về nước rồi nhưng chắc vẫn không có cơ hội đến tiễn đưa nhạc sĩ lần cuối bởi chưa hết thời gian cách ly".
Những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ truyền tinh thần lạc quan, chiến đấu với bệnh tật. Khi nhạc sĩ Trần Tiến gọi điện hỏi thăm, ông trấn an: "Cậu đừng lo, tớ vẫn khỏe". Nguyễn Cường ghé thăm, ông cũng cười khà rồi hàn huyên về nhạc.
Ca sĩ Mỹ Linh ám ảnh với ánh mắt rạng rỡ, nụ cười tươi tắn của nhạc sĩ. Hồi tháng 7, chuẩn bị cho đêm nhạc Khúc hát phiêu ly, chị tới thăm và nhờ nhạc sĩ dạy hát một vài câu còn "lăn tăn" trong bài Một thoáng Tây Hồ.
Nằm trên giường bệnh, ông đập tay theo nhịp nhạc, dạy chị hát lại từng lời, cách nhấn nhá, ngân vừa đủ để gợi cảm xúc mà không lê thê. Chị nói: "Tôi chưa gặp người bệnh nào có nguồn năng lượng tích cực đến vậy.
Chú nói: 'Cô Lam, cô Linh à, mình không đau, có lẽ ngưỡng đau của mình cao hơn mọi người', 'Cuộc đời mình phải đối mặt nhiều thử thách, đợt trị bệnh này cũng chỉ là một thử thách, nhưng khó khăn hơn mà thôi'. Khi ra về, chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng vì được chú truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan".
Nghe tin nhạc sĩ qua đời, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến viết bài thơ Tiễn Phó Đức Phương:
Một Thoáng Tây Hồ, đúng đời là một thoáng
Chỉ mặt gương soi hậu thế sẽ soi ai
Rưng rưng núi thẳm sông dài
Hồ trên núi đựng được vài hồn mây
Thôi Về quê theo rộng dài
Con cò vũ điệu mệt nhoài tấm thân
Văn Giang một khúc sông Hồng
Đau và đỏ rực cõi lòng Trương Chi
Thôi ông đi, mùa thu đi
Để câu hát mãi phiêu ly cõi này...
Hiểu Nhân - Mai NhậtCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.