Nhận diện thách thức của ngành ngân hàng năm 2022
Theo các chuyên gia, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2022. Trong đó, diễn biến khó dự đoán của dịch bệnh là yếu tố chi phối mạnh nhất đến hoạt động kinh doanh của các nhà băng.
Trong báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2022 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, năm 2022, ngành ngân hàng sẽ đối diện với 3 thách thức chính là sự khó đoán của dịch bệnh, hiệu ứng tiền gửi đột biến giảm dần, nợ xấu gia tăng.
Theo đó đại dịch bùng phát cuối năm 2021 phần nào nằm ngoài dự đoán số đông. Với diễn biến khó lường của dịch bệnh, kế hoạch trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng bị điều chỉnh đáng kể, chứng tỏ dịch bệnh COVID đã khó đoán hơn.
Diễn biến của đại dịch khó lường có nghĩa nợ xấu hình thành được dự báo với độ tin cậy chưa được xác định. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu hình thành là hậu quả của cú sốc, trong trường hợp đại dịch kết thúc, sẽ vẫn bất định ngay cả khi tham chiếu các cuộc khủng hoảng trước đó.
Rủi ro thứ tiếp theo là hiệu ứng tiền gửi đột biến giảm dần. Theo VDSC, chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động từ năm 2020 chỉ có thể đáp ứng tăng trưởng trong 1-1,5 năm, do vậy sẽ xuất hiện áp lực lên các tỷ lệ thanh khoản từ nửa cuối năm 2022.
Cụ thể, đại dịch dẫn đến việc tái phân bổ giữa các kỳ hạn gửi tiền và tiền gửi ngắn hạn tăng mạnh, đặc biệt là không kỳ hạn. Khi lãi suất bình thường hóa, chuyển dịch ngược chiều từ các kỳ hạn ngắn sang các kỳ hạn dài hơn có thể gây rủi ro và phát sinh chi phí.
Trong khi đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú lại chỉ ra nhiều rủi ro, thách thức hơn với ngành ngân hàng trong năm 2022.
Nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, cùng với nhiều áp lực từ kinh tế trong nước kết hợp từ cả yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy như xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản (dầu, lương thực, thực phẩm); kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả.
Việc mở rộng quy mô tín dụng và thái quá các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi (cả về vốn và lãi suất) nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời và sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong trung - dài hạn…
Dù thị trường chứng khoán có bước phát triển nhưng việc cung ứng vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, từ đó làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn), kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).
Tiếp theo là dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài làm cho năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, ảnh hưởng khả năng trả nợ đúng hạn, khách hàng khó đáp ứng điều kiện vay vốn khiến việc xem xét cho vay mới gặp khó khăn (nếu tạo điều kiện cho khách hàng sẽ dễ dẫn đến việc nới lỏng điều kiện vay vốn, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu và ngược lại).
Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tiền tệ - ngân hàng đã được chú trọng và hoàn thiện nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều quy định tại các văn bản quy phạm, kể cả Luật, có nhiều bất cập, chồng chéo, nhất là một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ thẩm quyền trong việc cơ cấu lại các TCTD, xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, hoạt động tín dụng tiêu dùng, các lĩnh vực chuyển đổi số của NHNN cũng như các Bộ, ngành có liên quan.
Nguồn lực cho các ngân hàng thương mại Nhà nước còn bất cập với vai trò và trách nhiệm thực hiện chính sách, cũng như việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ.
Chuyển đổi số đang đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức, đòi hỏi sự đồng bộ và phù hợp của các quy định và hành lang pháp lý hiện hành để theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ và các ứng dụng chuyển đổi số...
Mặc dù phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức nhưng theo các chuyên gia, trong nhiều kịch bản về tốc độ phục hồi, điều kiện kinh doanh nhìn chung vẫn sẽ cải thiện năm 2022, giúp giảm bớt rủi ro tín dụng chung của nền kinh tế và qua đó, thúc đẩy cung và cầu tín dụng. Kết hợp với vị thế thanh khoản dồi dào hiện tại, nhóm phân tích của VDSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022.
An MaiCông cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".