Nhận diện thách thức của ngành thủy sản trong năm 2025

Kinh doanh
03:29 PM 09/12/2024

Bên cạnh những cơ hội, ngành thuỷ sản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tháng cuối năm nay và đầu năm sau.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành tôm hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu và giá tăng cao. Từ giữa tháng 8 đến nay, giá tôm thương phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long tăng khá mạnh.

Nhận diện thách thức của ngành thủy sản trong năm 2025- Ảnh 1.

Theo VASEP, nguyên nhân một phần do nguồn cung giảm, trong vụ bà con nuôi ít và dịch bệnh trên tôm. Sản lượng tôm nuôi giảm do thời tiết khắc nghiệt, chi phí đầu vào nuôi tôm tăng cao. Sản xuất tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất chính trên thế giới gặp nhiều vấn đề khiến sản lượng giảm, cũng góp phần đẩy nhu cầu tôm Việt Nam lên cao hơn.

VASEP dự báo, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I năm sau. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến giảm sụt hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tương tự, đối với mặt hàng cá ngừ, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu có xuất xứ thuần tuý. Nguyên nhân là nhiều tàu cá tại 3 tỉnh trọng điểm về đánh bắt cá ngừ đang phải nằm bờ vì vướng quy định về kích thước cá ngừ vằn được phép đánh bắt (chiều dài nhỏ nhất cho phép đánh bắt là 500mm).

Vì vậy, doanh nghiệp hiện không thu mua cá ngừ vằn loại nhỏ như trước nữa nên việc tiêu thụ cá ngừ vằn chậm, kéo theo giá cá giảm. Trong khi đó, chi phí cho mỗi chuyến biển, công lao động tăng cao khiến các chủ tàu gặp nhiều khó khăn. Do đánh bắt không có lãi nên chuyến biển vừa qua, nhiều ngư dân đã cho tàu lưới cản nằm bờ. Mà việc không thể vươn khơi đang khiến cho các ngừ dân lâm vào tình cảnh mất thu nhập, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng đáng kể.

Còn với mặt hàng cá tra, sức cạnh tranh đối với các sản phẩm cá thị trắng khác như cá rô phi, cá lóc, cá minh thái,… ngày càng lớn. Số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, phile cá tuyết cod đông lạnh mã HS 030471 luôn là sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, chiếm khoảng 13% thị phần cá thịt trắng. Cá tuyết cod được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá trị thương hiệu cao, chất lượng thịt tốt, giá trị dinh dưỡng dồi dào, do đó đây là loài có vị trí cao cấp trong ẩm thực nhiều quốc gia.

Đứng sau đó lần lượt là các sản phẩm cá tuyết đông lạnh mã HS 030363, phile cá minh thái Alaska đông lạnh và phile cá tra đông lạnh mã HS 030462. Cá minh thái là một lựa chọn thay thế tốt cho cá tuyết với vị ngọt, ít béo, giá cả phải chăng và ổn định hơn so với các loài cá khác và thường được sử dụng để chế biến các sản phẩm cơ bản như cá viên, cá phile. Ngoài ra, cá rô phi cũng là một trong những “đối thủ nặng ký” của cá tra.

Một thách thức khác có thể đè nặng lên các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp thuỷ sản nói riêng đó là cước tàu có thể tăng cao sau khi ông Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng.

khi mức thuế được công bố, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể nhanh chóng nhập càng nhiều hàng càng tốt, trước khi sắc lệnh có hiệu lực. Nhu cầu nhập khẩu tăng cao và dồn dập, dẫn đến cước vận tải biển có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2025.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn