Nhận diện thách thức trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam của Chính phủ là đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không hề dễ dàng.
Ngày 16/8, tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững”, các chuyên gia cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) (TPDN) Việt Nam đang dần cả thiện, có chiều sâu và đúng bản chất là kênh huy động vốn trung, dài hạn.
Theo Bộ Tài chính, luỹ kế 7 tháng năm 2024 đã có 183 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với khối lượng 174,76 nghìn tỷ đồng, gấp 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đối với hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, trong 7 tháng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép và phát hành trị giá gần 30.000 tỷ đồng (chưa bao gồm số liệu trái phiếu của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ). Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ấm dần.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quy mô thị trường TPDN vẫn còn nhỏ bé (gần 10% GDP) nếu so sánh với ASEAN (khoảng 26-54% GDP), Hàn Quốc (97% GDP)… và còn xa mục tiêu đề ra. Theo mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu được Chính phủ phê duyệt, quy mô thị trường đến năm 2025 đạt 20% GDP và đến năm 2030 đạt 30% GDP.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường TPDN Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Đó là:
Niềm tin của nhà đầu tư: Sau những sai phạm nghiêm trọng trong thời gian qua, niềm tin của nhà đầu tư cần thời gian để hồi phục.
Hoạt động phát hành không đồng đều: 90% lượng phát hành hiện nay tập trung vào tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, trong khi các lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Trái phiếu chậm thanh toán: Tính đến tháng 7/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán ước khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ toàn thị trường.
Rủi ro lan truyền giữa các thị trường: Sự liên thông giữa thị trường ngân hàng, chứng khoán, và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng chú ý là khi các tổ chức tín dụng đã cho vay bất động sản với dư nợ lớn và các ngân hàng thương mại nắm giữ một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp.
Quy mô thị trường nhỏ: Quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay chỉ đạt khoảng 10% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc.
Phát hành riêng lẻ chiếm ưu thế: Hơn 90% tổng giá trị phát hành là phát hành riêng lẻ, điều này dẫn đến rủi ro cao hơn do chất lượng của cả nhà đầu tư và trái phiếu không đồng đều.
Cơ cấu nhà đầu tư bất cập: Các tổ chức tín dụng vẫn là nhà đầu tư chính, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Chính sách chưa hoàn thiện: Các quy định chặt chẽ hơn theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP vẫn chưa được đánh giá và rà soát đầy đủ.
Cơ sở hạ tầng thị trường còn hạn chế: Một số thông tin về quy mô phát hành và cơ cấu nhà đầu tư chưa được cập nhật kịp thời; hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tập trung mới chỉ được vận hành hơn một năm.
Nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế: Nhà đầu tư vẫn chưa có đủ kiến thức, dẫn đến đầu tư theo tâm lý đám đông và chỉ quan tâm đến lãi suất mà bỏ qua các rủi ro tiềm ẩn.
TS. Cấn Văn Lực đã đề xuất một số giải pháp để phát triển, lành mạnh hóa thị trường TPDN Việt Nam. Trước tiên, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 cần tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường TPDN.
Trong trung và dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.
Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo....
Ngoài ra cần liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thông qua nhiều giải pháp khác nhau; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường; việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.
Bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.
An Mai (t/h)Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.